Vụ Vạn Thịnh Phát: 108.878 tỉ đồng và 14.757 USD ra khỏi SCB như thế nào?
Hôm qua ngày 25/9, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi đối với hành vi rửa tiền.
Các bị cáo bị truy tố tội “rửa tiền” trong vụ án gồm: bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), ông Bùi Văn Dũng (lái xe riêng của bà Lan), bà Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của bà Lan).
Ngoài ra còn có bà Trần Xuân Phượng (thư ký của bà Ngô Thanh Nhã, em dâu bà Lan), ông Nguyễn Phương Anh (phó tổng giám đốc Saigon Pennisula), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc) và Trịnh Quang Công (tổng giám đốc Công ty Acumen).
Theo cáo trạng, từ ngày 1-1-2018 đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan và những người liên quan đã chiếm đoạt số tiền 445.748 tỉ đồng có được từ tham ô tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà Lan đã chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (thuộc Ngân hàng SCB) phối hợp Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh, Trịnh Quang Công (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) lên phương án rút, chuyển tiền ra khỏi Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc và hợp pháp hóa toàn bộ số tiền.
Việc rút tiền mặt chủ yếu được thực hiện ở Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn theo quy trình bà Lan chỉ đạo; nhân viên SCB phối hợp nhân viên Vạn Thịnh Phát lập danh sách các pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền; dùng các công ty “ma” để lập các chứng từ và chuyển về SCB thông tin về các pháp nhân nhận tiền, cá nhân rút tiền để lập các chứng từ hoàn tất thủ tục rút tiền mặt; sau đó hẹn các cá nhân được thuê đến SCB ký chứng từ rút tiền.
Sau khi hoàn tất các thủ tục rút tiền, tiền mặt được xuất khỏi quỹ của SCB, đóng vào nhiều thùng các tông giao cho tài xế Bùi Văn Dũng tại hầm B1 trụ sở Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn để ông Dũng vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood tại số 127 Pateur (quận 3) giao cho Trần Thị Hoàng Uyên để Uyên giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan.
Hoặc tài xế Dũng vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Trần Xuân Phượng. Một số trường hợp ông Dũng trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan.
Theo cáo trạng, từ 26-2-2019 đến ngày 12-9-2022, ông Dũng đã nhận và vận chuyển tổng cộng 108.878 tỉ đồng và 14.757 USD.
Tại tòa, ông Dũng khai công việc của ông là sáng chở bà Lan tới công ty, chiều chở bà Lan về nhà. Ông Dũng cho biết theo sự chỉ đạo của thư ký bà Lan, ông tới SCB để nhận tiền và giao theo chỉ đạo.
Khi tới ngân hàng thì nhân viên đã đóng tiền vào từng thùng, ông chỉ việc mang về nhà riêng của bà Lan hoặc trụ sở của Vạn Thịnh Phát, ông không biết nguồn tiền từ đâu.
Ngược lại, bà Lan cho rằng từ năm 2012 bà chỉ làm một việc là cho SCB mượn tài sản. Bà phủ nhận chỉ đạo những người khác chuyển tiền, rút tiền từ SCB. Theo bà Lan, tài sản của SCB là do Vạn Thịnh Phát cho mượn, SCB không có mấy trăm tỉ để cho bà vay và không có tiền để rút ra khỏi ngân hàng.
Trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài, bà Lan cho rằng cần xem xét lại chính xác các số liệu về tội “rửa tiền” để xác định đúng tính chất, mức độ phạm tội của bà. Đối với các khoản chi chuyển ra nước ngoài đó là những khoản trả nợ cho các khoản vay ở nước ngoài, các khoản vay đó mục đích để tái cơ cấu SCB giai đoạn hợp nhất Ngân hàng SCB.
Còn ông Chu Lập Cơ (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Quảng trường thời đại Việt Nam – Times Square) thì thừa nhận đã sử dụng 33 tỉ đồng. Ông Cơ cho biết ông có nhiều thẻ tín dụng ở các quốc gia khác, trong đó thẻ tín dụng ở Việt Nam thường sử dụng cho mục đích đi lại.
“Bị cáo rất ngạc nhiên khi biết số tiền này có nguồn gốc bất hợp pháp nên đã vận động gia đình khắc phục. Lúc tôi sử dụng số tiền này thì cứ nghĩ là khoản lợi nhuận từ tòa nhà của tôi. Tôi tôn trọng quy kết của cơ quan tố tụng, nhưng cũng xin xem xét là tôi không biết nguồn gốc số tiền này”, ông Cơ nói.