+
Aa
-
like
comment

Vụ trọng án ở huyện Đan Phượng: Khi đồng tiền lên ngôi?

04/09/2019 18:12

Khi mọi người có quá nhiều sự lo lắng, toan tính với cơm – áo – gạo – tiền thì sẽ kéo theo sự gắn kết tình cảm cũng sẽ không chắc chắn…

Đầu tháng 9/2019, liên tục xảy ra những vụ thảm án đau lòng khi chính những người thân trong gia đình ra tay sát hại lẫn nhau.

Mới đây nhất, khi vụ án Nguyễn Văn Đông (53 tuổi, ngụ huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) cầm dao truy sát cả gia đình em trai khiến 4 người thiệt mạng, 1 người nguy kịch còn đang khiến dư luận xôn xao thì tại huyện Như Xuân – Thanh Hóa, thông tin Quách Văn Thạo (29 tuổi) cầm dao chém em trai, cứa cổ người mẹ đang ngồi xe lăn khiến chúng ta bàng hoàng. Ở cả hai vụ việc, mâu thuẫn xuất phát từ đất đai, tiền bạc.

Trao đổi với Đất Việt về hiện tượng này, TS tâm lý học Nguyễn Danh nhận định, nếu như đối tượng gây ra thảm án từ 5 năm trở về trước thường là đối tượng ít tuổi, sa đà vào những trò chơi mang tính chất bạo lực trên mạng điện tử thì thời gian gần đây, đối tượng gây ra thảm án lại là người đều đã trưởng thành.

photo-1-1567514778236246085258
Nguyễn Văn Đông đã bị bắt giữ ngay sau khi gây án

Lấy ví dụ vụ Nguyễn Văn Đông sát hại gia đình em trai vào sáng ngày 1/9/2019, vị chuyên gia tâm lý này cho hay, Đông là người đang ở tuổi trung niên, có vốn sống nhưng lại vẫn hành động bất chấp quy định pháp luật và đạo đức xã hội.

“Nguyên nhân được cho là bởi 0,5m đất giữa 2 gia đình. Điều này cho thấy, chỉ một nguyên nhân nhỏ cũng có thể khiến cho thảm án có thể xảy ra. Bởi hiện nay lợi ích từ vật chất bị đẩy lên cao, 1m2 đất có giá lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đó có thể là cả gia tài với nhiều gia đình ở Việt Nam nên không ai muốn nhường ai, kể cả đó là những người thân trong gia đình.

Điều đó càng khiến cho con người trở lên ích kỷ, làm mọi cách để bảo vệ lợi ích cho riêng mình. Cùng với đó là bản tính cục cằn ở mỗi cá thể mà dẫn tới hành động vi phạm pháp luật, sẵn sàng ra tay sát hại người khác” – TS Nguyễn Danh phân tích.

Một chi tiết nhỏ trong vụ thảm án ở Đan Phượng, TP. Hà Nội được TS Nguyễn Danh nhắc tới là đoạn băng ghi hình ngắn lan truyền trên mạng xã hội khi có người chứng kiến quay lại. Đoạn băng thể hiện rất nhiều người có mặt tại hiện trường nhưng không ai dám can ngăn, chỉ biết đứng nhìn, quay clip.

“Điều đó cho thấy, chính những người xung quanh trong cộng đồng làng – xã không còn gắn kết như xưa. Khi mọi người có quá nhiều sự lo lắng, toan tính với cơm – áo – gạo – tiền thì sẽ kéo theo sự gắn kết tình cảm cũng sẽ không chắc chắn. Nhìn vào lịch sử trước đây, mối quan hệ làng – xã khăng khít thì mới thấy “đau lòng” khi xem đoạn băng ghi hình đó” – TS Nguyễn Danh nói.

Th.S Nguyễn Duy Tùng – nghiên cứu tội phạm học Đại học KHXH&NV cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho thảm án xảy ra nhiều trong thời gian gần đây là do áp lực về cuộc sống khiến con người trở lên cẳng thẳng, lâu ngày tích tụ dẫn đến những hành động mất kiểm soát.

“Kinh tế phát triển kéo theo sự phân hóa giàu – nghèo. Từ đó nảy sinh ra những người ăn chơi hưởng lạc, có đối tượng sống kham khổ. Người ăn chơi, hưởng lạc thì sa đà vào tệ nạn, còn người nghèo thì lại bế tắc.

Hệ quả của giá trị vật chất tăng cao khiến cho tình cảm đi xuống, cách ứng xử giữa người với người cũng khác đi” – ông Tùng phân tích.

Theo ông Tùng, chúng ta có những tổ chức đứng ra hòa giải, ngăn chặn mầm mống của những mâu thuẫn nhưng thực chất nhiều năm qua các tổ chức này đang hoạt động không hiệu quả.

“Như trong vụ anh sát hại cả gia đình em trai ở huyện Đan Phượng, chắc chắn mâu thuẫn không chỉ bộc phát trong 1 – 2 ngày mà diễn ra trong quãng thời gian hàng năm trời mới khiến hung thủ ra tay tàn độc như thế.

Trong quãng thời gian đối tượng và gia đình nạn nhân mâu thuẫn như thế thì các tổ chức xã hội ở địa phương đã đứng ra khuyên nhủ, hòa giải chưa? Nếu các tổ chức đó ra mặt hòa giải, khuyên nhủ các bên, tôi nghĩ hậu quả đã không đau lòng như đã xảy ra” – ông Tùng nói.

Văn Hưng/Đất Việt

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều