Vụ tro cốt thất lạc: Chùa không phải là nghĩa trang
Động thái mới nhất để xoa dịu dư luận và tìm hướng giải quyết trong vụ tro cốt bị thất lạc là ngưng chức trụ trì chùa Kỳ Quang 2 với sư Thích Thiện Chiếu. Có thể cũng sẽ xuất hiện một sáng kiến nào đó, để xác định lại được danh tính của những hũ tro cốt, giúp nhân thân của 755 người đã mất được an ủi phần nào. Thế nhưng, liệu có ai đảm bảo rằng, sáng kiến đó sẽ chính xác 100% và sẽ không có một trường hợp nào tương tự xảy ra. Theo tôi là rất khó, nếu như vẫn tồn tại tư tưởng coi chùa như là nghĩa trang như hiện nay.
Trong từ điển tiếng Việt đã định nghĩa – chùa là nơi thờ Phật, chứ không phải là nơi đựng tro cốt người chết. Lâu nay tôi đi nhiều nơi thì thấy rằng, ở miền Bắc nếu có gửi lên chùa, thì là bát hương thờ người đã khuất, chứ không ai gửi tro cốt cả. Các chùa ở Hà Nội hay Thái Nguyên đều thế. Chỉ ở trong miền Nam mới có phong tục mang tro cốt của người thân lên chùa để gửi.
Thế nhưng, tôi thiết nghĩ nếu ai cũng mang tro cốt đến chùa để, thì dần dần, chùa sẽ trở thành nghĩa trang lộ thiên, rất mất vệ sinh, làm sao còn sự thanh tịnh cần có? Thực tế, chùa không có chức năng lưu giữ tro cốt, bởi chùa là nơi luôn có đông người đến, là nơi để lạy phật, chứ không phải viếng người chết. Chưa kể tro cốt chứa nhiều âm khí sẽ không tốt cho người sống. Nhiều người không dám mua nhà gần chùa vì chùa có khác gì nghĩa địa đâu.
Hòa Thượng Thích Nhật Từ đã từng dạy rằng “Những người con người cháu là Phật tử thuần thành nếu hiểu được văn hóa tống táng của đạo Phật là thiêu, sau khi thiêu rải tro cốt xuống sông nước hay dưới lòng đất thì việc làm đó là đáng khích lệ. Sở dĩ đức Phật khích lệ như thế vì đức Phật biết rất rõ con người dễ bám chấp vào thân này. Thân này có mặt với mình từ trong bào thai và lớn lên nên ta đã sở hữu hóa, đẳng thức hóa thân này là chính mình và ta dễ bám vào nó ngay giờ phút lìa đời. Do đó, thiêu để khi tâm thức còn luyến tiếc sẽ không thể nhìn thấy được thân thể nữa nên mới rũ bỏ. Còn nhìn thấy là còn vướng mắc, còn luyến tiếc”.
Nhưng nhiều gia đình theo đạo Phật vẫn nghĩ rằng linh hồn là vĩnh cửu, nên muốn gửi tro cốt người thân hay chính bản thân họ vào chùa để lắng nghe kinh, sớm siêu thoát về với cõi Phật. Thế nhưng, siêu thoát làm sao được khi họ vẫn còn được người thân lưu giữ tro cốt, còn chỗ trụ chấp, bám víu. Thế là vô tình muốn tốt cho người thân lại hóa ra làm hại họ.
Lại nói, đâu có phải ai gửi tro cốt vào chùa cũng có trách nhiệm. Tôi thấy một số trường hợp, đem thiêu, gửi người thân vào chùa là xong trách nhiệm. Mấy năm đầu thì ghé qua một vài lần, sau thì phó mặc cho chùa. Hằng năm khỏi phải tảo mộ, cúng kiếng, ngày giỗ thì mâm cao cỗ đầy chè chén với nhau, còn mặc nhiên tro cốt thì để chùa tự lo. Ấy nhưng mà vẫn đi rêu rao rằng con có hiếu, gửi cho gửi mẹ vào chùa to chùa lớn để lo cúng kiếng.
Mà nói thẳng, việc gửi tro cốt tại chùa cũng chỉ là cách làm của hậu nhân chứ có Đức phật nào dạy như thế. Tuy nhiên, có cầu ắt có cung, chùa cần tiền nhang đèn, phật tử cần nơi gửi để thỏa mãn về tinh thần báo hiếu. Và việc gửi tro cốt này cũng đã tồn tại từ rất lâu, nó thuộc về tín ngưỡng nên không phải phản đối hay xảy ra sự việc là có thể bỏ được (Mặc dù theo quan điểm cá nhân tôi rất muốn bỏ). Vậy nên, để đáp ứng được nhu cầu đôi bên, có lẽ mỗi chùa khi quyết định nhận tro cốt, nên thông báo về số lượng, thời hạn và có một khu riêng biệt, cứ không thể ồ ạt như hiện nay. Cái quan trọng nhất là thời hạn rải tro cốt. Tốt nhất là xong 49 ngày, theo cách tính của đạo phật con người sẽ chuyển kiếp luân hồi thì lúc đó cũng nên rải tro cốt. Quá lắm thì cũng 1 hoặc 2 năm, chứ sinh tử là quy luật tuần hoàn diễn ra trong cuộc sống. Mỗi ngày lại thêm hàng chục tro cốt được gửi vào chùa, chỉ cần vài ba năm thì có khác nào cái nghĩa trang thu nhỏ không?
Tôi đã đọc được một bài báo nói về cách xử lý tro cốt của một nước văn minh là rải tro cốt xuống một cái hố và trồng một cây xanh trên đó. Cái cây sẽ tượng trưng cho người đã mất của họ và mỗi người như mất nhưng lại mọc lên một cây xanh, sau đó nơi này đã trở thành một công viên lớn. Sẽ rất khó để thay đổi một thói quen, nhưng vẫn hy vọng Việt Nam có một công viên cây xanh như thế. Một công viên người chết nhưng lại được vô cùng yêu quý!
Phong Nhân
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả