+
Aa
-
like
comment

Điều Giáo hội Phật giáo cần làm sau vụ tro cốt thất lạc

Đặng Trường - 06/09/2020 19:14

Vụ Chùa Kỳ Quang 2 để các lọ tro cốt và di ảnh của người quá cố thất lạc, nằm lăn lóc trên mặt đất khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc những ngày qua. Theo dõi vụ việc, có rất nhiều thông tin đăng tải cho biết: Tổ chức người thân nhận diện tro cốt thông qua các dấu hiệu; Lập bàn thờ chung ở nơi trang nghiêm; Chùa hỗ trợ xét nghiệm ADN nếu người thân có yêu cầu; Ngưng chức vụ sư trụ trì Thích Thiện Chiếu. Nhưng những giải pháp đó, liệu đã đủ hay chưa?

Hình ảnh chùa Kỳ Quang 2 để tro cốt người quá cố lăn lóc.

Gần 900 lọ tro cốt năm lăn lóc, lộn xộn trên mặt đất là gần 900 gia đình lo lắng, đau xót và phẫn nộ. Người thân của họ, anh linh ông bà, cha, mẹ, anh,chị, em thậm chí là con cái của họ đang nằm lạnh dưới mặt đất, hỏi ai mà không xót. Huống hồ khi mang tro cốt của người đã mất vào chùa Kỳ Quang 2, ai chẳng hy vọng nơi đây sẽ phù hộ cho người thân của họ sớm siêu thoát và đầu thai. Nào ngờ chùa Kỳ Quang 2 để xảy ra tình trạng này thì vong linh của người đã mất có siêu thoát được nữa không? Người ở lại cũng không biết thờ phụng, hướng về đâu nữa?

Đến viếng người thân dịp Vu lan báo hiếu, nhiều người phát hiện di ảnh người đã khuất được đặt lộn xộn dưới sàn.

Vốn dĩ, cửa Phật là nơi vô thường nhưng nay đã làm dịch vụ thì phải thu tiền để trang trải kinh phí bảo trì là chuyện bình thường. Thế nhưng, cái cách mà Chùa Kỳ Quang 2 làm với hàng trăm lọ tro cốt là sự xúc phạm đến vong linh người đã khuất, làm tổn thương người sống, biến người chết đang từ chỗ có danh trở thành lọ tro cốt vô danh. Thử hỏi, có còn gì đớn đau bằng? Sư trụ trì nhận lỗi, hứa sẽ cố gắng khắc phục hậu quả, chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm danh tính, đồng thời ngưng chức vụ sự trụ trì Thích Thiện Chiếu là hàng loạt động thái xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận nhưng liệu bấy nhiêu đó có đủ? Ai đảm bảo trên cả nước nước này hoặc trong tương lai không có những ngôi chùa đã, đang và sẽ phạm tội “xâm phạm mồ mã, hài cốt mà chúng ta không hề hay biết? Ông bà đã có câu “khuất mắt trông coi”, nếu như không có một sự ràng buộc, quản lý nào về tro cốt thì Chùa chưa chắc đã là Chùa nữa.

Người dân đau đớn phát hiện tro cốt của người thân mình không được thờ cúng tử tế.

Theo như Thượng tọa Thích Đạo Phước – đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có điều nào, chương nào quy định về vấn đề gửi tro cốt vào chùa. Giáo hội cũng không có chỉ đạo hay cấm đoán việc gửi tro cốt ở các chùa. Việc gửi tro cốt ở các chùa sẽ do quyền hạn của trụ trì chùa đó quyết định cho phù hợp với phong tục, truyền thống của địa phương đó. Do đó hiện nay, mỗi chùa có phương án tiếp nhận tro cốt khác nhau. Có chùa việc gửi tro cốt vào có thể tốn chi phí, có chùa thì hoàn toàn miễn phí, có chùa quy định thời gian để tro cốt 15 – 20 năm hoặc có chùa cho gửi vĩnh viễn”.

Mặc dù, Giáo hội Phật giáo đã kịp thời yêu cầu trụ trì chùa Kỳ Quang 2 phải xin lỗi phật tử, Giáo hội cũng có văn bản gửi cho ban trị sự các tỉnh, thành phố để kiểm tra lại việc quản lý tro cốt ở các chùa sao cho trang nghiêm, phù hợp nơi cửa Phật. Nhưng thiết nghĩ những điều này chỉ giải quyết được phần ngọn, những cái trước mắt còn cái gốc của vấn đề là công tác quản lý tro cốt vẫn chưa có quy định được đưa vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo. Ngày nay, xu hướng con người hướng về Phật giáo, tìm đến Chùa để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng và thanh tịnh tâm hồn ngày càng nhiều. Để không có những hình ảnh tồi tệ như chùa Kỳ Quang 2 thì thiết nghĩ, Giáo hội Phật giáo cần nhanh chóng họp bàn để đưa ra quy định quản lý tro cốt rõ ràng, giám sát thực hiện nghiêm nghặt hơn. Đặc biệt, việc sớm ra đời quy định cũng chính là bảo vệ uy tín của Giáo hội, ngăn chặn một số kẻ mượn gió đẩy thuyền, đơm đặt thêm tin giả để chống phá Giáo hội, xuyên tạc ý nghĩa của Phật giáo là phổ độ chúng sinh.

Nhiều gia đình tập trung tại chùa Kỳ Quang 2 để đòi tro cốt người thân của mình.

Nhân đây cũng xin nói thêm, không ai cấm cản người dân thờ phụng người thân đã mất của mình. Càng không ai ngăn cản họ gửi tro cốt ở Chùa nhưng suy đi xét lại thì Chùa không phải ra đời chỉ để chứa tro cốt của người đã mất. Qua vụ việc chùa Kỳ Quang 2, cảm tưởng như áp lực gửi tro cốt người thân vào ngôi chùa này và nhiều ngôi chùa khác trên cả nước đang rất lớn. Cho dù có quy định thì nó cũng hạn chế được hành động xâm phạm hài cốt chứ không thể chấm dứt vĩnh viễn. Vì vậy có nên chăng chính bản thân chúng ta hãy lựa chọn cách xử lý hài cốt người đã mất theo một cách khác. Ở Mỹ và phương Tây, có rất nhiều cách sáng tạo mà chúng ta có thể học hỏi như rải tro cốt ở những địa điểm có nhiều ý nghĩa với người quá cố, thường là biển hoặc sông để gió cuốn đi, xem như linh hồn của người đó đã được giải thoát. Hoặc cất giữ tro trong một chiếc bình và để chúng ở nơi mang lại cho họ cảm giác thoái mái nhất. Đây là cách khiến người ta có cảm giác người đã khuất vẫn luôn ở cạnh mình. Và cũng không ít trường hợp bỏ tro cốt dưới một cái cây để mỗi ngày nhìn ngắm nó đều nhớ về người quá cố. Có rất nhiều cách mà chúng ta có thể chủ động thờ phụng, tôn kính và bảo vệ người thân đã mất của mình mà không cần phụ thuộc vào ai khác cả. Tại sao chúng ta không suy nghĩ về những gợi ý này?

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều