Vụ tính chi 86 tỷ tạc phù điêu vách núi: Cần lấy ý kiến rộng rãi
Việc tỉnh Bình Định dự kiến sẽ chi hơn 86 tỷ đồng (tiền ngân sách hơn 34 tỷ, nguồn xã hội hóa hơn 51 tỷ) để thực hiện công trình phù điêu “Lạc Long Quân – Âu Cơ” tạc vào vách núi với quy mô lớn chưa từng có, đang gây ra nhiều ý kiến phản ứng gay gắt trong dư luận cả nước.
Nếu “đổ bể”, ăn nói sao trước dân?
Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đã gặp mặt 6 cựu lãnh đạo Tỉnh ủy để nghe ý kiến về công trình phù điêu “Lạc Long Quân – Âu Cơ” tạc vào vách núi. Các cựu lãnh đạo trân trọng ý tưởng xây dựng bức phù điêu vách núi độc đáo, nhằm tri ân cội nguồn, giống nòi Rồng – Tiên của các vị lãnh đạo đương nhiệm. Thế nhưng, vẫn còn nhiều ý kiến bất cập công trình, lo ngại về ý tưởng chủ đề, kinh phí, bối cảnh xây dựng phù điêu.
Theo ông Nguyễn Tấn Hiểu (cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cựu Bí thư Thành ủy Quy Nhơn), các lãnh đạo tỉnh đương chức cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi cho phép thực hiện công trình này.
Nói về bố cục bức phù điêu, ông Hiểu cho rằng chưa phù hợp, gây “rối rắm” cho người xem. Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ chất liệu đá của núi Bà Hỏa có đủ điều kiện để điêu khắc công trình không?
“Tôi nghĩ nên ưu tiên hoàn thiện các tín hiệu đèn, biển báo giao thông hài hòa, xây dựng nút giao thông ở khu vực này hiện đại để tránh ùn tắc. Bên cạnh đó, tính toán thận trọng, dù tiền ngân sách hay tiền xã hội hóa cũng đều do dân đóng góp, vì vậy không nên chi sao cũng được”, ông Hiểu nói.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà cho rằng, tỉnh Bình Định phải hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn ngân sách để xây dựng công trình, lãnh đạo tỉnh nên đi tận nơi kêu gọi đóng góp xã hội hóa.
“Nguồn từ xã hội hóa phải đưa vào ngân sách quản lý, chứ không phải bỏ ra một quỹ riêng biệt để tự do chi. Nếu làm không kỹ, sau này thanh tra, kiểm toán nhà nước vào cuộc, cán bộ phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, công trình này dựa vào vách núi, cần nghiên cứu loại đá ở đây có đủ tiêu chuẩn không, cắt sâu thì có bền vững muôn đời hay chỉ 1,2 nhiệm kỳ lãnh đạo sẽ sạt lở, hư hỏng? Việc này, cần mời chuyên gia khoáng sản kết luận, có biện pháp kỹ thuật thực hiện”, ông Hà chia sẻ.
Cựu Bí thư Bình Định đặc biệt lưu ý, công trình phù điêu tạc vào vách núi cần lấy ý kiến rộng rãi từ người dân.
“Cần thiết triển lãm các phương án để người dân xem, khi đã đồng tình mới thực hiện. Tôi nghĩ rằng, lãnh đạo tỉnh đã quyết làm thì phải làm chất lượng và có đặc sắc, chứ không phải làm theo kiểu cho có tư duy nhiệm kỳ. Vì nếu chất lượng không tốt, sau này công trình “đổ bể”, biết ăn nói sao trước người dân”, ông Vũ Hoàng Hà nhấn mạnh.
Theo ông Đào Quý Tiêu – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Định, tỉnh nên ưu tiên việc giải quyết, chống ùn tắc giao thông, đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn mang tầm nhìn lâu dài hàng chục năm sau. Bởi, vị trí tạc bức phù điêu nằm ngay nút “cổ chai” về giao thông cửa ngõ ra vào TP.Quy Nhơn. Ngoài ra, xem xét xây dựng ở đây một công trình cô đọng hơn, tránh rườm rà chi tiết, rối mắt người tham gia giao thông.
Không nóng vội
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn cho biết, nhiệm vụ chính vẫn là cải tạo, mở rộng nút giao thông để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi mở rộng nút giao thông này thì có ý kiến đề xuất, trên vách núi có thể cải tạo một công trình cảnh quan điểm nhấn cho thành phố.
“Ý tưởng là như vậy, nhưng làm như thế nào, quy mô ra sao, điều kiện có cho phép không… thì bây giờ tỉnh đang xin ý kiến để lập dự án, chứ chưa có một dự án nào cụ thể. Đây chỉ là ý tưởng, cần có phải nghiên cứu hết sức chu đáo, lấy ý kiến các ngành chức năng liên quan và cả người dân”, ông Toàn phân tích.
Trao đổi về việc có luồng ý kiến dư luận cho rằng, chưa phải lúc tỉnh Bình Định “chơi sang” bởi tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 86 tỷ đồng nhưng công trình có thể là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, lãng phí ngân sách. Trong khi đó, hiện nay, rất nhiều công trình an sinh khác đang cần được ưu tiên, ông Toàn nói rằng: “Khi có dự án cụ thể thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét cho ý kiến một cách thấu đáo. Bây giờ, UBND tỉnh mới xin ý kiến trong quá trình xây dựng dự án thì cũng có những thông tin trái chiều nên Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo cho UBND tỉnh trân trọng tiếp thu, xem xét một cách toàn diện phù hợp với điều kiện của tỉnh”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định, việc tạc phù điêu vào vách núi mới có chủ trương, vẫn trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, phê duyệt dự án. Địa phương sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia về chủ đề cũng như vị trí đặt bức phù điêu. Khi nào nhân dân đồng thuận mới triển khai. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là tính toán làm sao làm phải phù hợp, thiết thực, hiệu quả, không nóng vội.
Trong báo cáo gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, UBND tỉnh cho biết dự kiến thực hiện công trình phù điêu “Lạc Long Quân – Âu Cơ” tạc vào vách núi trong thời gian từ năm 2020-2022 và dự kiến tổng mức đầu tư hơn 86 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách do tỉnh quản lý để triển khai phần hạ tầng cắt bạt núi, di dời và hạ ngầm đường điện… là hơn 34 tỷ, kêu gọi tài trợ xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai phần mỹ thuật phù điêu tạc vào vách núi là hơn 51 tỷ đồng.
Bức phù điêu được khắc họa 3 lớp nhân vật. Lớp thứ nhất nằm chính giữa, chiếm 1/2 chiều cao của bức phù điêu là hình tượng cha Rồng – mẹ Tiên, cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Sau lưng, dưới chân là những lớp mây gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Rồng Tiên của cư dân Lạc Việt.
Lớp thứ 2, hai bên cha Rồng mẹ Tiên thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương. Các vua Hùng với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực, cung kính lắng nghe lời căn dặn của cha mẹ.
Lớp thứ 3, thể hiện các nhân vật, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa 1 người nam và một người nữ cùng với trang phục truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, nắm chặt tay nhau thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Dũ Tuấn/Dân Việt