+
Aa
-
like
comment

Vụ Thủy điện Rào Trăng 3: Căng thẳng ở Sở chỉ huy tiền phương

14/10/2020 19:42

“Từ hồi giải phóng đến chừ, chưa khi mô tôi thấy đông bộ đội hành quân tiến về phía núi như lần ni cả”, bà Thái Thị Tín (50 tuổi, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) nói.

Nhà bà Tín quay về phía núi, phía ấy những cuộc hành quân của lực lượng cứu hộ vẫn còn tiếp diễn. Ai cũng mong chờ kỳ tích.

Vụ Thủy điện Rào Trăng 3: Căng thẳng ở Sở chỉ huy tiền phương - Ảnh 1.
Trực thăng quân đội bay qua xã Phong Xuân để tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3 – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Những đoàn quân đi về phía núi

Sáng 14-10, những cơn mưa kéo dài nhiều ngày qua nhấm chìm miền Trung trong biển nước đã tạm ngưng. Thừa Thiên Huế ráo tạnh. Trên con đường từ quốc lộ 1 lên xã Phong  Xuân, những chiếc xe chở quân đội, chở trang thiết bị, xe máy đào, xe cứu thương… lần lượt tiến về tập kết trước trụ sở UBND xã Phong Xuân.

Một đoàn xe nối dài nhận lệnh và nhanh chóng qua chốt chặn, mất hút sau rẫy rừng. Lần lượt, lần lượt những đoàn quân đi về phía núi. Bà Thu (64 tuổi) nhà ngay cạnh con đường lên Thủy điện Rào Trăng 3 nói “Thấy bộ đội đi giống chiều hôm tê quá (12-10)”. Thế rồi bà kể hôm đó trời mưa rất to, người dân đều ở trong nhà, bà thấy hai chiếc xe chở bộ đội đi về phía núi. Trước đó, bà con đã nghe thông tin 17 công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 gặp nạn nên đoán bộ đội đi cứu người.

Vụ Thủy điện Rào Trăng 3: Căng thẳng ở Sở chỉ huy tiền phương - Ảnh 2.
Tiểu đoàn xe thiết giáp số 3 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế điều hai xe đặc chủng tập kết tại xã Phong Xuân – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

“Ai mà ngờ, chừ bộ đội lại đi tìm 13 đồng đội mất liên lạc, tìm công nhân nữa”, bà Thu thở dài.

Lúc bà Thu kể, thân nhân những công nhân mất tích im lặng lắng nghe. Đôi mắt họ rưng rưng. Trong tình cảnh này, chẳng ai làm được gì ngoài chờ đợi.

Bà Thu mở quán bún đã 8 năm, nhưng chưa bao giờ thấy có đông người ngồi trước quán mình như hôm nay. Những khuôn mặt căng thẳng, tất cả chờ đợi vào một phép mầu.

UBND xã thành Sở chỉ huy

Những ai đã xem bộ phim giải cứu những đứa trẻ trong đội bóng heo rừng ở Thái Lan hay cuộc giải cứu những công nhân mắc kẹt trong hầm mỏ ở Chile, sẽ nhớ những thước phim căng thẳng, nhịp gấp gáp khiến khán giả ngộp thở theo cuộc tìm kiếm.

Nhưng điện ảnh sao bằng đời thực. Hôm nay ở nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm 30 người mất tích, một quang cảnh gấp rút còn hơn cả điện ảnh. Phía trên trời thi thoảng trực thăng lại bay ngang qua, dưới đất xe cấp cứu nối thành hàng dài, những xe chuyên dụng chưa vào núi với tài xế ngồi trên vôlăng sẵn sàng đợi lệnh…

Vụ Thủy điện Rào Trăng 3: Căng thẳng ở Sở chỉ huy tiền phương - Ảnh 3.
Lực lượng quân đội của Quân khu 4 tập trung tại xã Phong Xuân để ứng cứu cho Thủy điện Rào Trăng 3 – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 

Ông Nguyễn Bá Lành, chủ tịch UBND xã Phong Xuân, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng mọi công việc hành chính phải tạm ngưng, nhường chỗ cho các đơn vị lập Sở chỉ huy tiền phương. “Ngay cả nhân viên trong xã làm được gì cũng cố góp chút công sức phục vụ việc tìm kiếm 17 công nhân và 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn cứu hộ bị mất liên lạc”, ông Lành nói.

Phía trước cổng vào trụ sở, công an và dân phòng túc trực, những ai không có phận sự đều không được vào UBND xã. Lúc này, mọi thông tin đang được giữ kín, mọi tính toán dừng lại phía bên trong Sở chỉ huy tiền phương, chỉ có mệnh lệnh được đưa ra và những đoàn quân tức tốc lên đường.

Dân thương bộ đội lắm

Xã Phong Xuân vốn là cái nôi cách mạng. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc, người dân nơi đây che chở bộ đội, xem những người lính như con cháu trong nhà. Truyền thống ấy vẹn nguyên cho đến giờ, từ khi lập Sở chỉ huy tiền phương phục vụ cuộc tìm kiếm người gặp nạn, người dân vừa trải qua lũ lụt vẫn sẵn sàng tiếp ứng nhu yếu phẩm, tham gia nấu ăn cùng bộ đội ở trường học trong xã. “Dân ở đây thương bộ đội lắm, có chi cũng sẵn sàng sẻ chia”, bà Thái Thị Tín (50 tuổi) nói.

Những lời kể thắm tình quân dân của những người chị, người mẹ khiến ai nấy xúc động. Bà Tín vừa mang ít dưa môn muối và rau tươi sang ủng hộ, ông Nguyễn Ngọc Hòa (56 tuổi) mang con gà và nói vợ sang phụ bộ đội nấu ăn…

Vụ Thủy điện Rào Trăng 3: Căng thẳng ở Sở chỉ huy tiền phương - Ảnh 4.
Quán bún của bà Thu nằm ngay con đường lên thủy điện, nơi rất đông người tập trung theo dõi diễn tiến cuộc cứu hộ – Ảnh: TRẦN MAI

 

Ông Hòa trải qua qua chiến cuộc, khu vực núi này chẳng xa lạ với ông. Để đến Thủy điện Rào Trăng 3 qua lời kể của ông là hành trình thăm thẳm, phải cắt rừng rất lâu. Dù không được phép vô núi trong điều kiện thời tiết này, nhưng nhìn không khí gấp rút ở Sở chỉ huy tiền phương, ông Hòa trầm ngâm “Mấy chú bộ đội đi vào trong núi mới khổ. Từ sáng chừ chắc anh em đến Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 rồi. Chừ cật lực đào bới tìm kiếm đồng đội mất tích, rồi phải dọn đường mới đưa được người và xe vào tới Thủy điện Rào Trăng 3”.

Dừng lại hồi lâu, ông Hòa tiếp lời “Thời nào cũng vậy, bộ đội là khổ nhất, thiên tai địch họa chi cũng xông ra tuyến đầu”.

Bàn trà trước nhà bà Tín, những người dân chất phác ngồi ngóng về núi, nỗi lo đầy trong mắt. Ông Trần Quang Dũng (64 tuổi) đăm chiêu nghe câu chuyện của hàng xóm. Ông nhẩm tính điều gì đó rồi cất giọng “Phải qua ba sông Khe Ốt, Đò Ho Mạ, Đò Ho Con, rồi cả hàng chục con suối nữa mới đến Rào Trăng 3. Mùa này nước lớn nữa, khổ lại thêm khổ”.

Chén trà vơi đi qua những lời chia sẻ, những câu chuyện đượm tình quân dân cứ nhiều dần. Những người đàn ông bảo lực lượng cứu hộ lo thời tiết xấu nguy hiểm cho người dân, nhưng chỉ cần bộ đội hay chính quyền kêu gọi, sẵn sàng tiến lên núi tham gia cứu hộ. Còn những người phụ nữ mấy ngày qua cầu trời phù hộ cho tất cả đều bình an trở về nhà…

Vụ Thủy điện Rào Trăng 3: Căng thẳng ở Sở chỉ huy tiền phương - Ảnh 5.
Xe cứu thương tập kết bên ngoài Sở chỉ huy tiền phương – Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

 

TRẦN MAI/TT

Bài mới
Đọc nhiều