+
Aa
-
like
comment

Vụ thiếu nữ 12 tuổi bị mẹ đẻ bạo hành, người tình của mẹ cưỡng bức: Cục Trẻ em lên tiếng

19/02/2021 15:40

Ông Đặng Hoa Nam – cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH – đã có những chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về việc thiếu nữ 12 tuổi trú tại Hà Đông, Hà Nội bị chính mẹ đẻ bạo hành, người tình của mẹ cưỡng bức nhiều lần.

Vụ thiếu nữ 12 tuổi bị mẹ đẻ bạo hành, người tình của mẹ cưỡng bức: Cục Trẻ em lên tiếng - Ảnh 1.
Toàn thân thiếu nữ 12 tuổi bị đánh đập tím tái – Ảnh người nhà cung cấp

Thiếu nữ tên B. (12 tuổi) trú tại Hà Đông, Hà Nội bị mẹ đẻ nhiều lần đánh bằng dây điện, móc quần áo, bị người tình bắt “làm chuyện người lớn”. Vụ việc chỉ hé lộ khi bác ruột đưa B. về và trình báo cơ quan công an.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhận định trường hợp thiếu nữ B. (12 tuổi) sống trong môi trường có nguy cơ xâm hại thực sự rất đau lòng. Phân tích kỹ hơn, mẹ thiếu nữ trên “thường có biểu hiện không bình thường, nghi sử dụng ma túy” nên không có năng lực bảo vệ con.

“Mặc dù nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết quy trình như hạn chế quyền làm cha mẹ, cách ly trẻ em khỏi môi trường bị xâm hại… Tuy nhiên, các quy định trên không có đủ điều kiện khả thi để thực hiện.

Ví dụ, cấp xã đã phải có người làm công tác bảo vệ trẻ em. Nhưng rất nhiều xã, phường không bố trí được người này, chủ yếu giao cho công chức phụ trách LĐ-TB&XH, mà người này rất nhiều việc. Khi sự việc đã xảy ra mới can thiệp thì đã muộn rồi”, ông Nam nói.

Về hướng xử lý vụ việc, ông Nam cho biết theo quy định của pháp luật, UBND phường đưa ra quyết định cách ly B. khỏi môi trường có nguy cơ xâm hại.

Nếu có người thân thích nuôi dưỡng thì sẽ giao cho người đó nuôi dưỡng. Nếu không thì thiếu nữ B. sẽ được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng. Về lâu dài, tòa án nhân dân cấp thẩm quyền sẽ tiếp tục ra quyết định.

Ông Nam đề nghị UBND cấp tỉnh, cấp xã phải đảm bảo nguồn lực chuyên trách để khi phát hiện nguy cơ có thể ngăn chặn ngay theo tinh thần chỉ thị 18 năm 2017, chỉ thị số 23 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Với các cơ quan báo đài, ông Nam cũng đề nghị không đưa thông tin quá chi tiết về bí mật đời tư thiếu nữ B. (đặc điểm nhân thân, địa chỉ…) để bảo vệ B. trước những nguy cơ không đáng có.

Ông Nam nhấn mạnh luật của chúng ta đang có “kẽ hở” lớn, nên vấn đề phòng ngừa xâm hại trẻ em còn hạn chế.

“Cần phải có những nhân viên công tác xã hội hoạt động tại cấp cơ sở để làm công tác bảo vệ trẻ em”, ông Nam nhấn mạnh.

Hà Quân

Bài mới
Đọc nhiều