Vụ thảm án 5 người chết ở Thái Nguyên: Tử hình xong thì sao nữa ?
Liên quan đến vụ thảm án khiến 5 người tử vong ở Thái Nguyên, hiện cơ quan công an tỉnh đã hoàn tất hồ sơ gửi VKS đề nghị khởi tố bị can với quyết định theo khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự có khung xử phạt cao nhất là tử hình. Trường hợp đối tượng bị kết án tử hình thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự.
Liên quan đến mức án và trách nhiệm bồi thường trong vụ thảm án khiến 5 người tử vong ở Thái Nguyên, các luật sư được phỏng vấn đều cho rằng với tính chất gây hậu quả nghiêm trọng của vụ án, đối tượng Hoàng Văn Chín (SN 1976, trú thôn Lương Bình 2, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa) nhiều khả năng sẽ phải chịu trách nhiệm Hình sự với mức cao nhất là Tử hình.
Chiều 27/12, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thái Nguyên cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị VKS khởi tố bị can. Quyết định trên được áp dụng theo khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự có khung xử phạt cao nhất là tử hình.
Trường hợp đối tượng bị kết án với khung hình phạt cao nhất như trên, thì đối tượng cũng vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại cho các bên bị hại.
Cụ thể, luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo luật Dân sự 2015, thì trường hợp đối tượng bị tạm giam và có thể nhận án Tử hình nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại là quyền của các bên bị hại, bởi vậy chỉ khi phía bên người bị hại yêu cầu bồi thường thì cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết. Nếu không có yêu cầu thì các bên sẽ tự thoả thuận với nhau.
Nếu 2 bên không tự thoả thuận, khi có yêu cầu của bên bị hại, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác định được bị cáo còn tài sản riêng, tài chung (của hai vợ chồng) để bồi thường hay không. Sau khi xác định các loại tài sản trên còn thừa sẽ tính vào của người thừa kế (con cái) để có trách nhiệm bồi thường cho bên bị hại.
Luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết thêm, theo các điều khoản luật Dân sự 2015 về việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng, sức khoẻ bị xâm hại quy định về trách nhiệm dân sự phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên bị hại bao gồm, chi phí cứu chữa với người bị thương, tiền phục hồi chức năng, thu nhập bị giảm sút do mất khả năng lao động, công người chăm sóc. Với người tử vong phải bồi thường mai táng phí, nghĩa vụ cấp dưỡng với con của bị hại chưa đủ 18 tuổi, con cái tàn tật…
Đối tượng đang bị tạm giam, gia đình bị hại sẽ có ý kiến với cơ quan điều tra buộc đối tượng bồi thường. Nếu đối tượng không đồng ý bồi thường thì cơ quan chức năng sẽ ghi lại thông tin xác minh sự việc và cuối cùng Toà án sẽ xác định mức bồi thường.
Khi bản án có hiệu lực mà bị cáo vẫn chưa chịu bồi thường thì toà án sẽ đề nghị cơ quan thi hành án xác định tài sản chung trong gia đình và tải sản riêng của bị cáo để yêu cầu bồi thường.
Tương tự các trường hợp hung thủ sau khi gây án rồi tự sát, thì quy định về bồi thường dân sự cũng được quy định rõ ràng. Về trường hợp này, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sự Hà Nội) cho biết, trường hợp hung thủ tự sát hoặc tử vong sau khi gây án, thì trách nhiệm bồi thường được quy định tại Điều 615 – Bộ luật Dân sự như sau:
“Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Và trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.
Trước hết, gia đình nạn nhân cần liên hệ với người thừa kế tài sản của người phạm tội như: bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con của người phạm tội… để yêu cầu bồi thường. Nếu họ không tự nguyện bồi thường thì có thể tiến hành việc khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận, huyện nơi họ cư trú để đề nghị Tòa án buộc họ phải bồi thường.
Về phía người bị hại, nạn nhân cũng đã tử vong như trường hợp trên thì người đại diện hợp pháp như: cha, mẹ, vợ, chồng, con (hàng thừa kế thứ nhất) của họ được nhận khoản bồi thường đó.