+
Aa
-
like
comment

Vụ tấn công vào Saudi gây tổn thất tới 5,7 triệu thùng dầu/ngày

Ngọc Hoàng - 16/09/2019 17:22

Đợt tấn công ngày 14/9 bởi 10 máy bay không người lái sẽ gây gián đoạn nhiều ngày, thậm chí hơn, cho hai cơ sở dầu trọng yếu của Saudi Arabia, ảnh hưởng nguồn cung dầu thế giới.

Đây là đợt tấn công nghiêm trọng nhất vào lãnh thổ Saudi trong hơn bốn năm xung đột diễn ra tại Yemen, theo Washington Post. Houthi, lực lượng nổi dậy do Iran hậu thuẫn tại Yemen và chiến đấu với liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu, đã nhận trách nhiệm, nhưng các bên đang hoài nghi tuyên bố của Houthi. Iran bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng họ đứng sau vụ việc.

Đây cũng là đòn giáng lớn nhất vào dây chuyền sản xuất dầu ở Saudi Arabia trong nhiều thập kỷ, trong đó bao gồm cả vụ lực lượng Saddam Hussein bắn sang hàng loạt tên lửa Scud trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Vu tan cong vao Saudi gay ton that toi 5,7 trieu thung dau/ngay hinh anh 1
Khói đen mù mịt sau khi nhà máy dầu lớn nhất Saudi Arabia bị tấn công bằng nhiều máy bay không người lái. Ảnh: Sky News.

Sự leo thang đe dọa kinh tế thế giới

Một vệ tinh NASA cho thấy dải khói đen, dài về phía tây nam từ địa điểm Aramco.

Thông cáo của Công ty Dầu Saudi Arabia (Aramco) cho biết sản lượng dầu của nước này mất đi một nửa, tức 5,7 triệu thùng/ngày – bằng khoảng 5% tổng sản lượng dầu toàn thế giới.

Sự thiếu hụt này có thể đẩy giá dầu lên cao. Aramco không cho biết khi nào có thể khôi phục được việc sản xuất dầu, trong khi Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẵn sàng dùng nguồn dầu dự trữ khẩn cấp nếu cần, để bù đắp thiếu hụt.

Hai cuộc tấn công nhắm vào mỏ dầu lớn thứ hai Saudi Arabia ở Khurais, được cho là có sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày, và cơ sở chế biến dầu lớn nhất thế giới ở Abqaiq, có công suất 7 triệu thùng/ngày.

Vu tan cong vao Saudi gay ton that toi 5,7 trieu thung dau/ngay hinh anh 2
Hình ảnh vệ tinh cơ sở dầu mỏ bị tấn công ở Abqaiq. Quan chức Mỹ nói vụ tấn công đến từ hướng bắc, tây bắc, cho thấy đó là vụ tấn công từ Iran hoặc Iraq. Tuy nhiên hình ảnh này lại cho thấy hư hại ở phía tây của các bồn dầu. Ảnh: New York Times.

Saudi Arabia sản xuất 9,85 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 8, chiếm khoảng 10% sản lượng dầu thế giới.

Những điểm này nằm cách khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát ở Yemen hơn 800 km, và đặt ra dấu hỏi về khả năng bảo vệ các cơ sở trọng yếu của Saudi Arabia trước các cuộc tấn công dùng drone.

Nếu đúng là lực lượng Houthi tấn công như họ tuyên bố, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy lực lượng này đã nâng cao tiềm lực quân sự. Mỹ và Saudi Arabia đã cáo buộc Iran cung cấp khí tài quân sự cho Houthi, nhưng Iran phủ nhận.

Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm ngày 14/9 đã “bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với vương quốc để hỗ trợ an ninh và ổn định, và nhấn mạnh tác động tiêu cực của các cuộc tấn công gần đây… lên nền kinh tế Mỹ”, theo thông báo của phía Saudi Arabia.

Thái tử Mohammed bin Salman nói với ông Trump rằng Saudi Arabia sẽ “sẵn sàng và có khả năng đối phó với hành vi khủng bố”.

Vài giờ sau, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran “thực hiện cuộc tấn công chưa từng có vào nguồn cung năng lượng thế giới”, nhưng không cung cấp bằng chứng.

Chính phủ Mỹ tin rằng 15 cấu trúc ở Abqaiq bị phá hủy ở phía tây-tây bắc, chứ không phải ở phía nam như một cuộc tấn công xuất phát từ Yemen sẽ gây ra.

Vu tan cong vao Saudi gay ton that toi 5,7 trieu thung dau/ngay hinh anh 3
Khói bốc lên từ nhà máy chế biến dầu ở Abqaiq, Saudi Arabia ngày 14/9. Ảnh: Reuters.

Hòa bình Yemen chưa thấy đâu

Video trên mạng cho thấy những cột khói khổng lồ từ những đám cháy, kèm theo những tiếng nổ lớn.

Hãng thông tấn quốc gia Saudi nói các cuộc tấn công diễn ra vào khoảng 4h sáng 14/9 và nhân viên Aramco đã khống chế ngọn lửa.

Nhiều năm nay, phiến quân Houthi luôn nói các cuộc tấn công qua biên giới nhằm trả đũa và chấm dứt sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia ở Yemen.

Lực lượng Houthi ngày càng tấn công với tần suất cao hơn nhắm vào sân bay và cơ sở dầu của Saudi. Vì vậy, phía Saudi cáo buộc Iran đang giật dây để các phiến quân mở các mặt trận mới, trong bối cảnh thù địch ngày càng sâu sắc giữa Tehran và các nước trong khu vực.

Quân Houthi đã thừa nhận có liên minh với Iran, nhưng nói họ không nhận lệnh từ nước này. Một người phát ngôn quân sự của Houthi nói nhóm này sẽ mở rộng tấn công vào Saudi Arabia – những cuộc tấn công “đau đớn hơn, chừng nào sự gây hấn và phong tỏa (của Saudi Arabia) còn tiếp tục”.

Bruce Riedel, cựu quan chức cao cấp trong tình báo Mỹ và chuyên gia lâu năm về Saudi Arabia, xác nhận Iran đang giúp phiến quân Houthi, nhưng vấn đề lớn hơn cuộc chiến tranh của Saudi Arabia ở Yemen.

“5 năm liên tiếp dung túng cho một ‘kẻ côn đồ’ táo tợn bởi hai chính quyền (Mỹ) đã tạo ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong thời đại chúng ta ở Yemen, và giờ đây đang đe dọa cả an ninh năng lượng thế giới”, ông Riedel nói với Washington Post.

“Đã đến lúc Mỹ phải yêu cầu (ông Mohammed) về nước”.

Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu, được phương Tây ủng hộ, đã can thiệp ở Yemen từ tháng 3/2015 chống lại Houthi, sau khi lực lượng Houthi đánh đuổi chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi khỏi thủ đô Sanaa năm 2014.

Cuộc chiến ở Yemen đã khiến gần 100.000 người thiệt mạng. Liên minh này đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích kịch liệt vì không kích vào dân thường. Các nỗ lực ngoại giao do Liên Hợp Quốc dẫn đầu đã không thể đem lại ngừng bắn.

Lực lượng Houthi đã liên tục nhắm vào cơ sở dầu của Saudi Arabia, bao gồm cuộc tấn công bằng drone tháng trước vào mỏ dầu Shaybah, gây ra đám cháy, nhưng không ai bị thương.

Vu tan cong vao Saudi gay ton that toi 5,7 trieu thung dau/ngay hinh anh 4
Các cuộc tấn công ngày 14/9 làm gián đoạn 5% nguồn cung dầu toàn cầu mỗi ngày. Ảnh: Reuters.

“Báu vật của Saudi Arabia”

Abqaiq là “miếng ghép quan trọng” trong mạng lưới sản xuất dầu của Saudi, và cuộc tấn công đã hé lộ sự thiếu sót trong khả năng phòng vệ của vương quốc này, Jean-Francois Seznec, nhà nghiên cứu cao cấp ở Trung tâm Năng lượng Toàn cầu thuộc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Atlantic Council, nói với Washington Post.

“Abqaiq không thể bị tấn công trên mặt đất”, Seznec nói. “Từ trên không thì khó phòng thủ hơn”.

Robert McNally, từng là cố vấn an ninh quốc gia về năng lượng dưới thời tổng thống George W. Bush, gọi Abqaiq là “báu vật của vương quốc Saudi”.

“Không cơ sở nào quan trọng bằng (nó) về việc làm giàu cho vương quốc”, McNally viết cho Washington Post. “Ngay cả nếu thiệt hại ở mức nhẹ, việc các báu vật của vương quốc Saudi bị tấn công cũng cho thấy mức độ rủi ro ngày càng tăng”.

McNally cho biết thời gian sửa chữa, và kéo theo đó là biến động giá dầu, sẽ phụ thuộc vào việc các thiết bị và dây chuyền “được chế tạo riêng cho cơ sở này” có bị hư hỏng nặng hay không. Nếu (hư hỏng nặng), sẽ mất nhiều tháng sửa chữa và giá dầu có thể tăng vọt “lên gần 100 USD/thùng”.

“Abqaiq không chỉ chiếm 5% sản lượng toàn cầu, mà còn là nơi có gần như toàn bộ công suất dự phòng”, ông viết.

“Nếu thiệt hại nhẹ, giá dầu thô ban đầu sẽ chỉ tăng vài USD”.

Saudi Arabia có thể giảm sự khan hiếm dầu trên thị trường bằng cách tăng cường sản xuất dầu thô nhẹ, có hàm lượng sulfur thấp, cần chế biến ít. Và nước này có thể dùng nguồn dầu thô dự trữ.

Nhưng kho dầu thô của Saudi Arabia đang giảm dần, hiện có 188 triệu thùng, đủ để bù đắp phần thiếu hụt 5 triệu thùng/ngày ở Abqaiq trong vòng 37 ngày.

Báo cáo năm 2011 của Rapidan Energy Group ước tính với công suất dự phòng của mình, Aramco có khả năng bù đắp một lượng dầu khoảng 3,5 triệu thùng/ngày – khoảng 3,5% nhu cầu của thế giới, trong tình huống khan hiếm.

Vu tan cong vao Saudi gay ton that toi 5,7 trieu thung dau/ngay hinh anh 5
Nhân viên cứu hộ thu nhặt thi thể ở trại giam Dhamar ở Yemen bị liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu ném bom đầu tháng 9. Cuộc chiến ở Yemen đã khiến gần 100.000 người thiệt mạng. Ảnh: AP.

Ngọc Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều