Vụ sư xin giữ 200-300 tỷ: Tài sản có thật nếu…
Theo đại đức Thích Tâm Vượng, trước tiên phải làm rõ tài sản 200-300 tỷ đồng mà sư Toàn nói có thật hay không.
Vụ nhà sư Thích Thanh Toàn (trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, người vừa bị bãi nhiệm ngày 7/10 vừa qua) xin hoàn tục và giữ lại tài sản là trang trại trị giá 200-300 tỷ đồng vẫn đang khiến dư luận xôn xao.
Để tìm hiểu rõ hơn về giá đất ở khu vực nơi sư Toàn làm trang trại, ngày 10/10, trao đổi với báo Đất Việt, chủ một sàn giao dịch bất động sản lớn ở Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, đất ruộng quanh khu vực xã Hợp Châu giá rất rẻ.
“Trong trường hợp diện tích đất trang trại của sư Toàn được chuyển đổi thành đất thổ cư cũng không bao giờ có giá 200-300 tỷ đồng như vậy. Đất thổ cư ở các xã quanh khu vực huyện Tam Đảo giá khoảng 2-3 triệu đồng/m2 thôi.
Nếu với diện tích gần 6.000m2 đất chỗ trang trại của sư Toàn mà chuyển thành đất thổ cư cũng chỉ có giá khoảng 12 tỷ đồng. Không bao giờ đất thổ cư ở Tam Đảo đạt được mức giá lên đến vài trăm tỷ như vậy, chỉ có đất ở phố cổ Vĩnh Yên mới có giá đó”, chủ sàn giao dịch bất động sản trên cho biết.
Cũng liên quan đến việc này, theo đại diện chính quyền địa phương cho hay sư Thích Thanh Toàn đã rời khỏi chùa Nga Hoàng sau khi Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cho ông này xả giới.
Cùng ngày, theo thông tin trên báo chí, đại đức Thích Tâm Vượng – phó Ban trị sự kiêm chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Ban trị sự sẽ tuân thủ theo chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, trước tiên phải xác định được cụ thể hiện trạng của tài sản, tính pháp lý của tài sản đó hiện nay thế nào, tài sản đó có thật hay không, làm rõ giá trị 300 tỷ đồng có thật hay không.
“Ví dụ như đất đó thầy Toàn mua của dân và vẫn còn đang nợ tiền của dân thì chả nhẽ tự dưng giờ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc lại ôm cái số nợ đó cho thầy Toàn à?”, đại đức Thích Tâm Vượng phân tích.
Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết mặc dù dư luận hiện rất nóng về chuyện tài sản của sư Toàn nhưng vẫn phải đợi sư Toàn về mới giải quyết được: “Phiên họp hôm 5/10 vừa rồi thầy Toàn có xin phép thầy đi vắng, đến ngoài 20 âm lịch thầy mới về.”
Vị đại đức này cho rằng, chỉ khi giữa chính quyền – các hộ gia đình và sư Toàn đã giải quyết sòng phẳng rồi và tài sản đó đứng tên sở hữu là đại đức Thích Thanh Toàn thì tài sản đó đương nhiên là của giáo hội và Giáo hội Vĩnh Phúc sẽ tiếp nhận.
Nhưng nếu tài sản đó mang tên chủ sở hữu là Lê Hữu Long (thế danh của sư Thích Thanh Toàn) thì Giáo hội Vĩnh Phúc phải xin ý kiến của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hơn nữa, theo chủ sàn giao dịch này, diện tích đất ở trang trại của sư Toàn không phải nằm trong trung tâm huyện mà ở trong làng nên giá đất càng rẻ.”Nếu Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói rằng tất cả các vị tì kheo mà quản lý tài sản đứng tên các tì kheo hoặc đứng tên ngoài đời đều là tài sản của giáo hội và Trung ương Giáo hội có công văn đề nghị chúng tôi tiếp nhận tài sản mang tên Lê Hữu Long thì lúc đó chúng tôi mới dám quản lý tài sản ấy.
Chứ pháp luật quy định công dân có quyền sở hữu tài sản. Phải bám theo pháp luật chứ không thì rất khó xử lý”, Đại đức Thích Tâm Vượng chia sẻ.
Được biết, từ khi về trụ trì chùa Nga Hoàng năm 2008, nhà sư Thích Thanh Toàn đã có hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai với người dân ở xã Hợp Châu không thông qua chính quyền địa phương, với tổng diện tích là 5.790,9m2 (nguồn gốc là đất ruộng nhận chuyển nhượng của các hộ dân).
Huyện Tam Đảo đề nghị thu hồi, giao lại 5.790,9m2 đất mua bán, chuyển nhượng trái phép của nhà sư Thích Thanh Toàn trong thời gian trụ trì chùa Nga Hoàng cho chính quyền xã Hợp Châu quản lý.
Thùy Dung/Đất Việt