+
Aa
-
like
comment

Vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong: “Cấp chỉ huy không thể né trách nhiệm”

01/07/2021 14:15

Trong vụ việc liên quan đến cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, có vẻ phản ứng của cơ quan chức năng khá yếu ớt và có độ trễ thông tin so với mạng xã hội. Dù nguyên nhân cái chết này là gì đi chăng nữa thì các cấp chỉ huy cơ sở cũng không thể né tránh trách nhiệm.

Gia đình tổ chức tang lễ cho quân nhân Trần Đức Đô

Từ ngày 28 đến 30/6, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin phản ánh trường hợp quân nhân Trần Đức Đô (19 tuổi, quê thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tử vong bất thường khi đang làm nghĩa vụ quân sự tại Trường Quân sự Quân khu 1, đóng tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Theo thông tin trên mạng thì người nhà quân nhân Đô chưa đồng ý mai táng anh Đô vì bức xúc khi chưa làm rõ nguyên nhân cái chết. Báo chí dẫn lời Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng cho rằng cái chết của quân nhân Đô là do tự tử.

Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, trưởng Phòng tuyên huấn Quân khu 1 cũng khẳng định với Dân Việt rằng: “Không có trường hợp nào bị đánh chết, quân nhân Trần Đức Đô chết do treo cổ tự tử, trong điều kiện đơn vị đang đi huấn luyện dã ngoại ngoài thao trường”.

Hình ảnh lễ an táng quân nhân Trần Văn Đô.

Rõ ràng ở đây có độ chênh nội dung giữa thông tin của hai bên: Một số cán bộ Quân khu 1 thì khẳng định đã làm rõ nguyên nhân sự việc còn gia đình thì cho rằng vẫn còn nhiều “dấu hiệu bất thường”. Sự việc đang bị một số trang mạng đẩy theo chiều hướng tiêu cực do có liên quan đến lực lượng vũ trang.

Năm 2002, tôi và một đồng nghiệp được giao nhiệm vụ về Hải Dương tìm hiểu thông tin về vụ nổ súng làm chết một Thượng tá, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến. Cụ thể, chiều 20/12/2002, trong khi ông Nguyễn Đinh Phương đang tiếp khách, binh sĩ Cù Xuân Tấn cầm 2 khẩu súng K54, nhằm thẳng vào đầu ông Phương bóp cò.

Vụ án gây xôn xao dư luận vì xảy ra trong môi trường trại giam, tách biệt với xã hội và có nhiều thông tin “bên lề” về nguyên nhân vụ việc. Thực tế theo điều tra của chúng tôi, vụ án bắt nguồn từ việc ông Nguyễn Đinh Phương bắt gặp Tấn đang ở cạnh người yêu trong phòng khách của trại. Ông Phương có vẻ đã nặng lời trong khi phê bình lính và yêu cầu chuyển anh này xuống phân trại K2 thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh ngay ngày hôm sau khi xảy ra sự việc “gặp bạn gái”. Sự ngông cuồng của tuổi trẻ, tính sĩ diện trước bạn gái là nguyên nhân gây ra vụ án đau lòng đó. Vụ án kết thúc bằng bản án tù dành cho Cù Xuân Tấn.

4 cơ quan đang điều tra làm rõ nguyên nhân quân nhân Trần Đức Đô tử vong

Có thể nói, môi trường quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung đã giúp nhiều quân nhân hình thành và phát triển những phẩm chất mà môi trường khác khó có thể mang lại trong đó đặc biệt là rèn luyện phẩm chất chính trị, tính kỷ luật cao, bản lĩnh, ý chí vững vàng…

Tuy nhiên, đây đó cũng có không ít vụ việc các quân nhân vi phạm Điều lệnh, Điều lệ của quân đội, chỉ thị, mệnh lệnh của chỉ huy các cấp thậm chí là pháp luật của Nhà nước đến mức bị xử lý hình sự. Mới đây, vào tháng 4/2021, 6 quân nhân tại Kiên Giang đã bị xử phạt tù về hành vi đánh cấp trên và đồng đội khi bị phát hiện trốn khỏi doanh trại và tổ chức nhậu nhẹt.

Trở lại vụ việc liên quan đến cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, có vẻ phản ứng của cơ quan chức năng khá yếu ớt và có độ trễ thông tin so với mạng xã hội. Rất ít thông tin cho thấy cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra cái chết của quân nhân Đô như thế nào. Bản tin từ Cục tuyên huấn, Bộ Quốc phòng chỉ vỏn vẹn 240 chữ và kết bằng câu: “Khi có kết luận của các cơ quan chức năng, đơn vị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc”. Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, Đại tá Nguyễn Xuân Thìn lại dẫn “kết quả pháp y”. Về phía gia đình, có thông tin người nhà quân nhân Đô yêu cầu trưng cầu pháp y một cơ quan độc lập để làm rõ nguyên nhân cái chết này: Bị tác động ngoại lực hay treo cổ tự tử.

Nhưng dù nguyên nhân cái chết này là gì đi chăng nữa thì các cấp chỉ huy cơ sở cũng không thể né tránh trách nhiệm. Nhiệm vụ của cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở trong Quân đội là nắm bắt tâm tư, tình cảm cũng như kết quả học tập, rèn luyện hàng ngày của từng chiến sĩ để kịp thời giúp đỡ, uốn nắn họ. Nếu một chỉ huy sâu sát thì có thể phát hiện quân nhân có ý định tự tử vì người này thường có những biểu hiện kỳ lạ, những lời nói ám chỉ… Các nghiên cứu cho thấy, hầu hết người tự tử đều biểu lộ tinh thần và trạng thái hoảng loạn, khác thường trước một thời gian dài.

Và khi sự việc xảy ra, không thể giải thích nhẹ nhàng theo kiểu “nguyên nhân chết ban đầu được anh em xác định là do tự tử” như lời một sĩ quan chỉ huy Quân khu 1 trao đổi với báo giới. Chí ít, nguyên nhân cái chết này cũng cần được điều tra thận trọng, đúng pháp luật, dưới ánh sáng khoa học.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mới chỉ có thể khẳng định: Đã có một quân nhân tử vong trong thời gian tại ngũ. Việc tìm ra nguyên nhân tử vong là trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong Quân đội. Nếu để khách quan, có thể trưng cầu giám định đối với một cơ quan giám định pháp y ngoài Quân đội.

Việc nhanh chóng làm rõ nguyên nhân cái chết của quân nhân Đô không chỉ làm rõ sự thật khách quan, bảo vệ uy tín của Quân đội mà còn góp phần làm yên lòng những gia đình có con em đã, đang và sắp nhập ngũ. Thanh niên Việt Nam nhập ngũ để rèn luyện, trưởng thành, để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Và họ xứng đáng được bảo vệ, được tôn trọng.

Dương Tiêu
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều