Vụ nữ sinh nghi tự tử: Khi ‘đòn tâm lý’ đáng sợ hơn roi vọt
Khi đọc thông tin cô bé N.T.N.Y, học sinh lớp 10 ở An Giang nghi tự tử vì uất ức với nhà trường, chị Ánh Hồng (Hà Nội) bỗng cảm thấy lạnh người.
Chị Hồng bảo câu chuyện này làm ký ức thời học cấp 3 của chị sống dậy. Năm học lớp 11, chị từng bị cô giáo chủ nhiệm “đì”.
“Cô dạy môn Hóa. Buổi học đầu tiên, cô gọi tên từng học sinh trong lớp yêu cầu đứng dậy để nhận diện.
Đến tên tôi, thay vì cô hỏi vài câu như các bạn thì cô nhìn tôi rồi chế giễu: “Tên đẹp như vậy mà người thì ngược lại, trông cứ như Thị Nở”.
Các bạn trong lớp cười rộ lên, còn tôi thì sững người. Tôi “chết tên” Thị Nở luôn từ đấy.
Càng bị cô chú ý, tôi càng dúm lại, càng sợ môn Hóa, càng học kém… Học kém nhưng vì sợ giáp mặt cô nên không dám đi học thêm – rồi có vẻ càng bị cô chú ý. Tới năm lớp 12, cô không làm chủ nhiệm lớp tôi nữa, tôi mới bớt áp lực”.
Với những gì đã từng trải qua, chị Hồng nói chị hiểu cảm giác của một nữ sinh lớp 10 khi bị “nhắc khéo” chuyện mặc áo mỏng trước lớp hay bị bêu tên trước toàn trường.
Khi ‘đòn tâm lý’ mạnh hơn roi vọt
Nhà báo Trần Thu Hà cho biết, khi mới đọc tít “Nữ sinh lớp 10 ở An Giang tự tử vì uất ức với nhà trường”, chị thấy có vẻ giáo viên kém nghiệp vụ sư phạm, thiếu tinh tế khi phạt học sinh, còn vụ việc chỉ là rủi ro nghề nghiệp.
Nhưng, đọc thêm những dòng trạng thái và những bình luận có khả năng là của cô giáo chủ nhiệm sau khi học sinh của mình tự tử, ngất trong nhà vệ sinh, chị Hà nói “cảm thấy thấy ớn lạnh luôn”.
Như câu chuyện của em Y., theo chị Hà, cách em bị giáo viên và nhà trường kỷ luật chính là sử dụng đòn tâm lý.
“Có lẽ nhiều bạn trong này cũng đã từng nếm những ngón đòn tâm lý thời học trò rồi.
Đánh đập chẳng là gì so với đòn tâm lý. Hơn nữa, đánh vào tâm lý lại kín đáo, chả vi phạm quy định gì cả, không văng tục chửi bậy,… cũng không có bầm tím chảy máu, không có tổn thương để đi xác nhận thương tật, cũng không thể quay phim chụp hình được nhé…” chị Hà chia sẻ cảm nghĩ.
Vi phạm quyền trẻ em?
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (TP.HCM) cũng khẳng định việc bêu tên học sinh dưới cờ như trường hợp của em Y. là hình thức nhục mạ học sinh, vi phạm quyền trẻ em, chà đạp nhân phẩm người khác.
Cũng theo ông Phú, nếu những phát ngôn trên mạng xã hội đúng là của cô giáo chủ nhiệm thì cô giáo này đã vi phạm đạo đức rất nặng khi mà học trò đang điều trị tại bệnh viện, lại có những lời lẽ bóng gió, vô cảm.
“Cô giáo không xứng đáng làm giáo viên. Làm nghề giáo mà như cô này ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ học trò” ông Phú nhấn mạnh.
Nhiều năm làm việc trong ngành, thầy Phạm Đông Phương, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM), nhận định rằng ở độ tuổi lớp 10,11, học sinh rất “khó bảo”.
“Ở độ tuổi này, hầu như các em đều rất ngang bướng. Khi dạy dỗ, thầy cô không phải lúc nào cũng ngon ngọt, có khi cũng la mắng nhưng học sinh sẽ không căm ghét mình khi chúng thấy đây là sự la rầy của người cha, người mẹ. Thầy cô cũng không được dùng lời lẽ không phù hợp trong nhà trường”.
Thầy Phương cũng không lạ gì những chiêu thức một số giáo viên sử dụng để ép học sinh đi học thêm.
“Có những giáo viên tìm cách ép học sinh học thêm theo kiểu cố tình cho đề khó, giảng học sinh không hiểu bài… để các em phải “tự giác” đi học thêm. Những giáo viên kiểu này thường bị đồng nghiệp và học sinh coi thường”.
Thế nhưng, cũng có giáo viên đàng hoàng thì bị hiểu lầm. Nhiều phụ huynh lắm tiền, bênh con nên khi học sinh bị giáo viên la rầy thì họ cũng căm ghét và nhận xét giáo viên theo chủ quan của mình. Với những trường hợp này, giáo viên phải đủ tỉnh táo để xử lý, tránh hiểu lầm.
Về trường hợp cụ thể của em Y, theo thầy Phương, dù thế nào thì cũng có lỗi của giáo viên, nhà trường.
“Học sinh phản kháng khi các em không tin, không nể phục cách dạy của mình. Với từng sự việc cụ thể, phải mời các em ra ngoài lớp nói chuyện riêng, gợi cho các em nói thật. Dù ngang bướng đến đâu, khi thấy mình yêu thương thật lòng, học sinh sẽ bộc bạch ra hết suy nghĩ”.
Còn ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm giáo dục phổ thông (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), cho rằng với thực trạng hiện nay, nhà trường không thể áp dụng các hình thức kỷ luật cứng nhắc như hàng chục năm qua nữa.
“Khi học sinh vi phạm quy định, nhà trường phải phối hợp với phụ huynh tìm hiểu về tâm lý, hoàn cảnh gia đình, tuyệt đối không nêu tên trước cờ” – ông Khả nói.
Áp lực của giáo viên
Thế nhưng, không ít thầy cô cho rằng yêu thương, với một số học sinh, vẫn không thể giải quyết được vấn đề.
Một cô giáo dạy Vật lý có hơn 10 năm trong nghề ở Lạng Sơn chia sẻ, không ít học sinh cãi lại, mắng chửi hay thậm chí là đánh giáo viên.
“Trong khi đó, những hình thức kỷ luật học sinh mà ngành giáo dục cho phép giáo viên được làm như phê bình, khiển trách… thì nói thật, học sinh hư không coi ra gì đâu. Khuyên giải không được, mà phạt nặng thì sợ bị đưa lên mạng. Vậy chúng tôi phải làm như thế nào nếu không “ngậm đắng nuốt cay”, mặc kệ học sinh?” cô giáo này nói.
Còn cô Mai Hương (Hà Nội) thì chia sẻ “Áp lực của giáo viên về chuyện kỷ luật học sinh thực sự đang hiện hữu. Với học sinh, đặc biệt là ở lứa tuổi “dở dở ương ương”, thì một lời nói của giáo viên cũng có thể bị các em suy diễn theo chiều hướng khác. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh luôn sẵn sàng “tung hê” mọi hình ảnh, đoạn tin nhắn lên mạng nếu như con họ có vấn đề gì”.
Vì vậy, ngoài chuyên môn, cô Hương cho rằng “Giáo viên ngày nay càng phải học cách tiết chế cảm xúc. Học sinh hư, nếu liệu chừng không nói được thì dù hành xử như vậy là tiêu cực, nhưng giáo viên đành mắt nhắm mắt mở cho qua, để khỏi “gây hại” cho chính bản thân mình”.
Ngân Anh – Lê Huyền/VNN