Vụ nổ súng bắn chết 2 người ở Nghệ An: Khi cao thủ gặp cao nhân!
Vụ đối tượng Cao Trọng Phú, nhân vật có số vừa hạ sát 2 người kéo đến nhà riêng giải quyết mâu thuẫn nợ nần tại TP Vinh, Nghệ An. Nhiều người sau khi xem bức ảnh tỏ ra xuýt xoa khen “đẳng cấp” cũng như thần thái của hung thủ. Một số người khi thấy đối tượng không bị còng tay, vẫn thanh thản cầm điếu xì gà hút dở còn quá lời tâng anh ấy lên như thể đó mới chính là “ngôi sao” trong bức ảnh.
Tất nhiên, tôi không chê thần thái của đối tượng Cao Trọng Phú. Nhưng khi xem lại, tôi bị ấn tượng bởi nhân vật mặc áo sơ mi trắng, đeo kính cận, có nụ cười hiền như của thầy giáo dạy Văn đi cạnh đối tượng nhiều hơn.
Người có nụ cười tỏa sáng ấy chính là Đại tá Phạm Thế Tùng, giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Anh Tùng người Hưng Yên, vừa chân ướt chân ráo từ Bắc Ninh về quê Bác nhận chức vụ Giám đốc Công an tỉnh này mới được vài ngày. Vậy mà ngay vụ “rúng động” xứ Nghệ đầu tiên trong dịp nghỉ lễ, anh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, đích thân chỉ huy xử lý vụ việc.
“Biết địch biết ta”, dù điều động lực lượng với trang bị tân tiến, hạng nặng lấn át đối phương về mọi mặt, song vị giám đốc mới ngoài 40 tuổi này không chọn tấn công mà kiên trì, mềm mỏng, bình tĩnh thuyết phục, kêu gọi đối tượng buông súng quy hàng. Sau khi đối tượng bị thu phục, đích thân anh đi cạnh, dẫn giải sát thủ ra xe, thư thái như người thầy giáo đầy tâm huyết, thong dong bước cùng cậu “học trò” vừa phạm lỗi.
Một số người mải khen thần thái của nhân vật áo đen, nhưng theo tôi nên dành lời khen ấy cho vị giám đốc trẻ kia. Anh không lệnh bập còng số 8 vào tay của người vừa bóp cò hạ gục 2 đối thủ trong chớp mắt, điều đó chứng tỏ sự tự tin, bản lĩnh, đàng hoàng, quân tử của người thủ lĩnh này. Chính cách hành xử ấy đã khiến đối tượng bị thu phục hoàn toàn, nên không có ý định trốn chạy, chống đối. Vì thế đã không có những viên đạn bị rơi ra một cách lãng phí, không có những giọt máu vô ích đổ xuống. Còn điều nữa, việc để đối tượng thoải mái bước ra xe đặc chủng sẽ tạo bước đệm thuận lợi rất lớn trong quá trình lấy lời khai sau này.
Một số người xưng tôn Cao Trọng Phú là “cao thủ”, có thể vì hiểu và đánh giá cao “số má” của anh ta. Nhưng nếu Phú là cao thủ, thì trong tình huống này, Đại tá Phạm Thế Tùng chính là “cao nhân”. Khi cao thủ gặp Cao nhân thì sự việc tưởng rằng rất phức tạp lại trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết.
Một số hình ảnh tại hiện trường:
Chiều ngày 30/4, đại tá Phạm Thế Tùng – tân Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An – có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác điều tra, truy bắt hung thủ gây ra vụ án mạng khiến hai người chết tại TP Vinh. Sau 6 tiếng đồng hồ kiên trì vận động, Công an tỉnh Nghệ An đã thuyết phục Cao Trọng Phú (SN 1962 trú tại xóm 7, xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) buông vũ khí đầu hàng.
Sau khi gây án, đối tượng ôm súng cố thủ trong nhà. Nhiều phương án vây bắt đối tượng đã được vạch ra. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, các lực lượng đã ưu tiên sử dụng biện pháp vận động thuyết phục để đối tượng ra đầu thú nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng vây bắt, người dân và chính đối tượng. Và sau gần 6 giờ đấu trí, đến hơn 14 giờ ngày 30/4, đối tượng đã ra đầu thú và giao nộp khẩu súng.
Theo lời khai ban đầu của Phú: khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, khi Phú đang có mặt tại nhà riêng ở xóm 7 (xã Nghi Kim, TP Vinh) thì có 3 người gồm Ngô Quang Hưng (SN 1979; trú tại khối Phúc Thọ, phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), Đặng Ngọc Anh (SN 1956, quê tại phường Quang Trung, TP Vinh, hiện trú tại 32/9 đường Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh, TP HCM) cùng một người đàn ông khác tìm đến nhà Phú.
Do mâu thuẫn trong quá trình làm ăn nên nhóm người này định ra hỏi cho rõ. Quá trình đó, Phú đã mang súng ra bắn, làm Hưng và Ngọc Anh gục ngay tại chỗ, 1 người chạy thoát.
Theo lời khai của đối tượng do có thời gian dài làm ăn bên Campuchia nên Phú đã mua khẩu súng cất giấu nhằm phòng thân. Khi trở về Việt Nam, Phú cũng đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam và mới trở về quê xây nhà. Bình thường đối tượng sống khép kín, ít qua lại với hàng xóm láng giềng, cho đến khi vụ việc xảy ra.
Văn Chiến
*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả