Vũ ‘nhôm’ thao túng đất vàng, tranh cãi giá trị thiệt hại
VKSND tối cao vừa có quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội vụ Vũ “nhôm” thao túng đất vàng.
Từ ngày 10 13/6, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm và tuyên án Vũ “nhôm” cùng 2 cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành và đồng phạm.
Trong quyết định kháng nghị, VKSND Tối cao cho rằng, bản án sơ thẩm và phúc thẩm có những nhận định và kết luận về giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của Vũ “nhôm” và các đồng phạm gây ra cho Nhà nước không phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án, không có căn cứ và không đúng pháp luật.
Mục đích của Vũ và các đồng phạm là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tác động đến những người có thẩm quyền để được chuyển giao quyền sở hữu, quyền quản lý, khai thác đối với 7 tài sản của Nhà nước sang cá nhân Vũ và các công ty của Vũ mà không phải đấu giá theo quy định.
Trên cơ sở đó, Phan Văn Anh Vũ toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng, cho thuê, khai thác, sử dụng, góp vốn… nhằm hưởng lợi từ những giá trị tăng thêm của các bất động sản này.
Trong quá trình chuyển giao, Vũ “nhôm” và các đồng phạm dùng quyền lực để Vũ và các công ty của anh ta được hưởng những ưu đãi về giá, hệ số sinh lợi của bất động sản, từ đó gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Mục tiêu hướng đến của Phan Văn Anh Vũ là những mảnh “đất vàng”, có giá trị sinh lợi cao tại Đà Nẵng và TP.HCM.
Trên thực tế, từ khi thực hiện hành vi phạm tội đến khi Vũ “nhôm” bị khởi tố, giá trị của 7 tài sản nhà nước nêu trên đã tăng lên gần 10 lần.
Vì vậy, thiệt hại do hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm gây ra phải được xác định không chỉ là những ưu đãi về giá, hệ số sinh lợi mà Vũ có được khi nhận 7 tài sản nhà nước.
Thiệt hại ở đây còn bao gồm thiệt hại do nhà nước đã mất đi quyền khai thác, quản lý, sử dụng 7 tài sản nói trên, giá trị tăng thêm của các tài sản này và cả những thiệt hại khác mà Vũ đang gây ra trong quá trình sử dụng.
“Dân sự hóa” hành vi phạm tội của Vũ “nhôm”?
Theo VKSND Tối cao, hậu quả thiệt hại của vụ án phải bao gồm các thiệt hại nêu trên và được tính từ khi Phan Văn Anh Vũ cùng các công ty của anh ta làm thủ tục để nhận chuyển giao tài sản đến khi hành vi phạm tội bị phát hiện và ngăn chặn (thời điểm khởi tố, điều tra vụ án).
Vì vậy, VKS cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào Kết luận giám định của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của Vũ “nhôm” và đồng phạm gây ra tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 1.159 tỷ đồng là có cơ sở, phù hợp với mục đích, bản chất, diễn biến hành vi phạm tội của các bị cáo.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định thiệt hại cho nhà nước do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra tại thời điểm phạm tội là hơn135 tỷ đồng là chưa đánh giá đúng bản chất thực tế của vụ án, chưa đánh giá đúng và đầy đủ những thiệt hại do hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm gây ra.
Tại thời điểm Vũ “nhôm” và các công ty của anh ta được nhận 7 tài sản nhà nước, tội phạm mới đạt về hành vi nhận được tài sản, nhưng chưa đạt về mục đích của tội phạm là khai thác, sử dụng, định đoạt tài sản để thu lợi bất chính theo mong muốn.
Tòa án cấp phúc thẩm không nhận định, đánh giá hậu quả thiệt hại của hành vi phạm tội mà Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm đã gây ra, mà lại xác định số tiền 135 tỷ đồng cùng với khoản thu lợi từ việc cho thuê tài sản là hơn 5,8 tỷ đồng là hậu quả của hợp đồng vô hiệu giữa Vũ và các cơ quan Nhà nước là không đúng với chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Việc này là “dân sự hóa” hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong giải quyết vụ án.
VKSND Tối cao cho rằng, việc đánh giá, xác định thiệt hại cho Nhà nước của Tòa sơ thẩm và phúc thẩm là chưa phù hợp với quan điểm, đường lối xử lý đối với tội phạm về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là yêu cầu thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có và khắc phục hậu quả hành vi phạm tội tham nhũng, kinh tế đã gây ra trong giai đoạn hiện nay.
VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy một phần bản án hình sự phúc thẩm ngày 13/6 của TAND cấp cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
T.Nhung/ Vietnamnet