Vụ ly hôn vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ được dẫn chứng tại diễn đàn Quốc hội
ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu ví dụ về vụ ly hôn của ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ trong phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
ĐB Thủy nêu quan điểm tán thành với việc thiết lập phương thức mới là hòa giải tại Tòa án và đề nghị là chưa quy định thu phí hòa giải.
Theo bà Thủy, khác với phương thức xét xử tại Tòa án bị ràng buộc bởi nguyên tắc hiến định là xét xử công khai, báo chí và mọi người đều có quyền tham dự thì hòa giải được tiến hành trong một môi trường riêng, chỉ có sự tham gia của các bên liên quan.
ĐB Thủy cho rằng, điều này đã giúp cho các bên yên tâm tin tưởng ngồi lại với nhau để giải quyết các tranh chấp bất đồng, thậm chí là có thể nói hết những uẩn khúc, những nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn.
“Và tính ưu việt này không phải khi nào cũng có được ở các phiên tòa công khai, nhất là trong các vụ án ly hôn, các vụ án kinh doanh thương mại. Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này khi theo dõi phiên tòa xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng ông Vua cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ vừa qua, mọi mâu thuẫn trong quá trình hôn nhân cũng như những tình tiết cụ thể của vụ án đã được hàng chục tờ báo cập nhật và đưa tin hàng ngày và chắc rằng đây là điều mà những người trong cuộc không hề mong muốn”, bà Thủy nói.
Bà Thủy cũng phân tích, nếu được các bên đồng ý thì hòa giải viên còn có thể mời cả những người có uy tín trong dòng họ, bạn bè tin cậy của các bên cùng tham gia hòa giải để phân tích phải, trái, thiệt hơn giúp các bên cân nhắc suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định và thí điểm vừa qua thì nhiều hòa giải viên đã sử dụng hiệu quả cách làm này.
“Kết quả là nhiều vụ các bên đã từ bỏ ý định ly hôn và quay trở lại đoàn tụ, nhiều vụ vay mượn trong nhân dân, mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế đã được giảng hòa và tìm ra được những giải pháp phù hợp nhất mà cả hai bên cùng chấp nhận”, bà Thủy phân tích.
Cũng theo vị ĐBQH Bắc Kạn, chi phí cho việc xét xử và thi hành một bản án dân sự, hành chính hiện nay là rất tốn kém.
Cụ thể, để mở một phiên tòa sơ thẩm hiện nay ít nhất phải có 5 cán bộ tư pháp. Đó là chưa kể những vụ án phải triệu tập cả giám định viên, thẩm định giá, phiên dịch tham gia và phải trả chi phí cho người này.
Sang đến giai đoạn thi hành án, theo Báo cáo của Chính phủ, nhiều năm nay tình trạng tồn đọng các bản án dân sự, hành chính không được thi hành rất lớn. Nhiều năm nay tỷ lệ thi hành án xong về tiền chỉ đạt khoảng 35%. Đến năm 2019 này vẫn còn hơn 96.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành được.
“Chúng tôi xin lưu ý là 96.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành. Chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ Tư pháp cung cấp thông tin về 10 vụ dân sự phải huy động số lượng cán bộ tham gia cưỡng chế đông nhất, 10 vụ đã gây tốn kém nhất cho ngân sách nhà nước và 10 vụ có thời gian thi hành án kéo dài nhất. Kết quả đến nay đã có những vụ phải huy động đến 199 cán bộ tham gia cưỡng chế thi hành một bản án dân sự như ở Khánh Hòa. Số lượng các bản án có thời gian thi hành trên 10 năm mà đến ngày hôm nay vẫn chưa xong lên đến con số hàng nghìn”, bà Thủy nói.
Bà Thủy cũng nêu thêm, kết quả thí điểm hòa giải vừa qua tại 16 tỉnh đã khẳng định đây là thiết chế hiệu quả, tiết kiệm cho cả người dân và nhà nước. Tỷ lệ hòa giải thành công đạt 78%, tức là cứ 100 vụ đưa ra hòa giải thì có tới 78 vụ thành công, chỉ còn 22 vụ phải đưa ra xét xử. Đặc biệt có những tỉnh như tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương thì tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 90%.
Liên quan đến chi phí, bà Thủy cho biết, theo tính toán hiện nay, mức chi cho một phiên tòa sơ thẩm là 5,5 triệu, trong khi mức chi cho một vụ hòa giải chỉ là 1,2 triệu, tức là ít hơn 3,3 triệu và thí điểm vừa qua đã hòa giải thành công gần 40.000 vụ. Nếu lấy 40.000 vụ này nhân với 3,3 triệu thì ít nhất cũng đã tiết kiệm được cho ngân sách là 132 tỷ đồng.
Về tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy để khuyến khích người dân lựa chọn phương thức hòa giải tại Tòa án thì nhiều nước quy định là không thu phí hòa giải, có nước quy định thu nhưng mà mức thu thấp hơn nhiều so với án phí xét xử.
“Chúng tôi cho rằng với tâm lý của người Việt Nam thì dù 30 năm nữa chúng ta đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, song quan niệm của người dân vẫn là “vô phúc đáo tụng đình” không đừng được mới phải đưa nhau ra tòa xét xử. Do đó, phát huy phương thức hòa giải tại Tòa án cần phải được xem là hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự ở nước ta thời gian tới. Chúng tôi thấy rằng điều này phù hợp với truyền thống hòa hiếu, lối sống giàu tình cảm của người Việt Nam và do đây là phương thức tốt cho người dân, tốt cho xã hội, tiết kiệm cho ngân sách”, bà Thủy kết lại.
Trường Phong
Theo Tiền Phong