Vụ khủng bố 11/9 tác động thế nào lên TT Trump và ông Biden?
Vụ khủng bố 11/9 là sự kiện in sâu vào tâm trí mỗi người Mỹ – họ nhớ chi tiết mình đang làm gì, ở đâu vào hôm đó. Sự kiện này tác động thế nào tới hai ứng viên tổng thống?
Sáng 11/9/2001, ông Biden đang đi tàu Amtrak tới thủ đô Washington, D.C. làm việc thì vợ ông gọi điện báo tin về vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).
Đến thủ đô, ông nhất quyết muốn vào tòa nhà Quốc hội, tiếp tục làm việc, không muốn để những kẻ khủng bố làm gián đoạn hoạt động của mình. Tuy nhiên, an ninh đã sơ tán trụ sở Quốc hội và ngăn không cho vị thượng nghị sĩ vào trong, khiến ông bức xúc.
Cách đó hàng trăm km về phía bắc, và chỉ cách tòa WTC khoảng 6 km, ông Trump đang ngồi trong tòa tháp mang thương hiệu là chính tên ông. Ông xem tivi và gọi điện cho một đài địa phương để bình luận, than phiền là thị trường chứng khoán phải đóng cửa.
Đúng 19 năm sau, ông Trump và ông Biden đều đang là ứng viên của đảng mình ra tranh cử tổng thống. Ngày 11/9 năm nay ở Mỹ, hai ông đều sẽ thăm Shanksville, bang Pennsylvania, nơi mà một trong các máy bay bị kẻ khủng bố xâm nhập rơi xuống.
Hai ông sẽ ở cùng một nơi, trong cùng một ngày – một điều hiếm hoi của mùa tranh cử giữa dịch bệnh, và tất cả diễn ra khi cuộc tranh luận đầu tiên giữa họ chỉ còn chưa đầy ba tuần, theo Washington Post.
Ông Biden – quyết không để khủng bố làm gián đoạn
Sáng 11/9/2001, con gái ông Biden cầu xin ông hãy rời thủ đô. Thế nhưng, ông Biden vẫn tới Điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ), nhất quyết muốn vào trong, dù một cảnh sát chặn ông lại và nói chiếc máy bay thứ tư của những kẻ khủng bố đang trên đường bay tới Washington. Nhiều người cho rằng mục tiêu của chuyến bay 93 này là chính Điện Capitol, nhưng cuối cùng, nó rơi xuống Shanksville.
“Chết tiệt, tôi muốn vào”, ông Biden sau này kể lại lời mình nói với cảnh sát. Không vào được, ông Biden tức giận ngồi trên ghế bên ngoài và gọi điện. Ông muốn Quốc hội tiếp tục hoạt động, muốn Tổng thống Bush quay về Washington. Ông không muốn để những kẻ khủng bố chiến thắng.
Tối cùng ngày, ông Biden vẫn về nhà ở Wilmington, Delaware – ông vẫn luôn về nhà mỗi tối dù con ông đã lớn. Tối đó, các nghị sĩ tiếp tục làm việc, thậm chí còn cùng nhau hát bên ngoài Điện Capitol, đúng như lời khẩn cầu của ông Biden. “Tôi cảm thấy tệ vì mình ngồi ở Wilmington, xem họ hát tại các bậc thang ngoài Điện Capitol”, ông Biden viết trong hồi ký sau này.
Câu hỏi lớn và khó khăn nhất về đối ngoại sau 11/9 là Mỹ có nên phát động chiến tranh ở Iraq hay không. Giờ đây, cả hai ông đều nói quá lên về lập trường ban đầu của mình ngay sau vụ khủng bố. Dù vậy, có thể nói ông Biden vẫn nhất quán trong việc phê phán chính sách chiến tranh của Tổng thống Bush lúc đó, đồng thời cảnh báo những thách thức do chiến tranh mang lại.
Tổng thống Trump dường như cũng không muốn chiến tranh. Ông có thể có phong cách quyết liệt, nhưng cũng không ủng hộ chiến tranh, theo Washington Post.
Ngày 11/9 năm nay, ông Biden và ông Trump tới khu tưởng niệm sự dũng cảm của hành khách chuyến bay 93, những người đã chiếm lại buồng lái từ những tên khủng bố. Ông Trump dự buổi lễ lúc 9h45, được phát online. Ông Biden dự một buổi lễ ở New York vào buổi sáng trước khi tới Shanksville vào buổi chiều.
Ông Trump tiếp tục hoài nghi người nhập cư
Về phần mình, vào ngày thảm họa xảy ra, ông Trump đang xem kênh CNBC và một cuộc phỏng vấn doanh nghiệp, nhưng chương trình bị cắt để chuyển sang cảnh tòa tháp đang cháy. Ông gọi ngay cho đài địa phương và ngỏ ý muốn bình luận.
Sau này, khi thăm hiện trường, ông phát biểu chỉ trích chính sách nhập cư, phê phán những liên minh toàn cầu.
Ông Trump nói ông tận mắt thấy máy bay đâm vào tòa tháp thứ hai, và từ cửa sổ ông thấy bi kịch những người nhảy ra từ tòa tháp – nhưng những lời này của ông Trump vấp phải nhiều sự hoài nghi.
Sau đó, ông Trump cũng từng nói ông thấy hàng nghìn người Hồi giáo ăn mừng ở thành phố Jersey City cách New York một con sông – nhưng câu nói này của ông Trump sau này bị kết luận là sai sự thật.
Dù vụ khủng bố xảy ra chỉ vài km cách nơi ở của mình, ông Trump hiếm khi phát biểu với nhiều cảm xúc về 11/9. Một ngoại lệ là năm 2016 khi tranh luận với ứng viên Ted Cruz của cùng đảng Cộng hòa.
“Chúng tôi thấy nhiều cảnh tượng chết chóc, thậm chí cả mùi của cái chết, không ai hiểu được. Nhiều tháng sau chúng tôi vẫn cảm thấy cái mùi của không khí. Thế nhưng, chúng tôi đã xây dựng lại được khu phía nam Manhattan”, ông Trump nói.
Tuy nhiên, ông Trump hầu như không bày tỏ nhiều cảm xúc. “Từ nhiều bình luận mà ông đưa ra hôm đó và trong giai đoạn sau đó, không có gì cho thấy sự kiện đó thay đổi căn bản cách ông nhìn thế giới”, Thomas Wright, học giả của Viện Brookings thường viết về chính sách đối ngoại của ông Trump, nói với Washington Post.
Giai đoạn định hình những lập trường của ông Trump về đối ngoại là những năm 80, cũng liên quan tới việc ông làm kinh doanh. Trong thập kỷ đó, ông bắt đầu đặt các quảng cáo với những tuyên bố đại loại như Mỹ đang bị lợi dụng trong vấn đề thương mại.
Theo Washington Post