+
Aa
-
like
comment

Vũ khí Trung Quốc khiến Nga “nếm trái đắng”, đánh bật cả niềm tự hào của Kremlin

26/01/2021 10:13

Trung Quốc đã phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Nga trong nhiều thập kỷ nhưng giờ đây tình hình sẽ không còn như trước.

Vũ khí Trung Quốc khiến Nga "nếm trái đắng", đánh bật cả niềm tự hào của Kremlin

Tờ EurAsian Times dẫn dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố hồi tháng trước cho hay, Trung Quốc đã vượt Nga trở thành nhà sản xuất vũ khí thứ 2 trên thế giới trong giai đoạn 2015-2019. Mỹ tiếp tục giữ vị trí số 1.

4 công ty quốc phòng Trung Quốc đã có mặt trong top 25 nhà sản xuất vũ khí năm 2019. Trong số này, có tới 3 công ty lọt top 10, chiếm 16% tổng doanh số bán vũ khí, với mức lợi nhuận đạt được trên 56,7 tỷ USD.

Trong khi đó, chỉ có 2 công ty quốc phòng Nga lọt vào top 25, chiếm 4% tổng doanh số, với lợi nhuận khiêm tốn 13,9 tỷ USD.

4 nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc lọt vào danh sách trên bao gồm Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (vị trí thứ 6), Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (vị trí thứ 8), Tập đoàn công nghiệp phương Bắc (vị trí thứ 9) và Tập đoàn công nghiệp phương Nam (vị trí thứ 24).

Vũ khí Trung Quốc khiến Nga nếm trái đắng, đánh bật cả niềm tự hào của Kremlin - Ảnh 1.
“Chân dài” Trung Quốc tạo dáng bên tiêm kích J-10 trong một cuộc triển lãm quân sự. Ảnh: cwzg.cn

Theo SIPRI, tổng doanh thu của 4 công ty Trung Quốc trong top 25 đã tăng 4,8% trong giai đoạn 2018-2019.

Nói về mức tăng trong doanh số bán vũ khí của các công ty Trung Quốc, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI Nan Tian cho hay: “Các công ty vũ khí của Trung Quốc đang hưởng lợi từ chương trình hiện đại hóa dành cho quân đội nước này”.

Cũng theo báo cáo của SIPRI, doanh số của 2 công ty Nga trong top 25 [gồm Almaz-Antey và Tập đoàn đóng tàu thống nhất] đã sụt giảm tổng cộng 634 triệu USD trong giai đoạn 2018-2019.

Công ty thứ 3 của Nga – Tập đoàn máy bay thống nhất – đã trượt khỏi top 25 trong năm 2019, với doanh số giảm tới 1,3 tỷ USD.

Theo truyền thông Trung Quốc, bước ngoặt đáng chú ý nhất đối với nền công nghiệp quốc phòng nước này là việc họ phát triển thành công động cơ tiêm kích thế hệ 5. Hiện mẫu động cơ này đang được sử dụng cho J-20.

Các đoạn video do nhà sản xuất và Không quân Trung Quốc (PLAAF) công bố hồi đầu tháng này cho thấy biến thể 2 chỗ ngồi của J-20 và một phiên bản J-20 trang bị động cơ sản xuất nội địa [Đây là lần xuất hiện chính thức đầu tiên của phiên bản này].

Việc phát triển thành công động cơ nội địa đồng nghĩa J-20 không còn phải phụ thuộc vào động cơ của Nga. Tờ SCMP dẫn một nguồn tin quân sự cho biết: “Các kỹ sư máy bay của Trung Quốc nhận thấy động cơ nội địa WS-10C của họ (bản nâng cấp của động cơ WS-10) có chất lượng ngang ngửa với động cơ AL-31F của Nga”.

Trước đó, bức ảnh rò rỉ về nguyên mẫu của J-20 được lan truyền từ cuối năm ngoái đã cho thấy một chiếc J-20 với số hiệu 2021 trang bị 2 động cơ và đó không phải là động cơ của Nga.

Vũ khí Trung Quốc khiến Nga nếm trái đắng, đánh bật cả niềm tự hào của Kremlin - Ảnh 2.
Nguyên mẫu J-20 số hiệu 2021 của Trung Quốc. Ảnh: EurAsian Times

Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với đồng minh thời Chiến tranh Lạnh ở phương diện công nghệ quân sự, việc thay thế động cơ của J-20 là một minh chứng cho điều đó. Bắc Kinh đã phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Nga trong nhiều thập kỷ nhưng giờ đây tình hình sẽ không còn như trước.

Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Vadim Kozyulin, Giám đốc Dự án An ninh Châu Á tại Trung tâm PIR [một tổ chức tư vấn ở Moscow] nhận định: “Trung Quốc đã vượt Nga trong lĩnh vực phát triển máy bay không người lái, một số loại tàu chiến và thậm chí cả tên lửa siêu vượt âm – lĩnh vực vốn là niềm tự hào lớn của Kremlin trong những năm gần đây”.

“Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đang sản xuất nhiều mẫu vũ khí mới một cách rất nhanh chóng, cứ 10 năm lại cho ra đời một thế hệ vũ khí mới, tương tự như điều Liên Xô đã từng làm được” – Ông Kozyulin cho biết thêm.

 

Ngân sách quốc phòng hàng năm của Nga đang bị thu hẹp, điều này lý giải tại sao họ lại khó bắt kịp với Trung Quốc khi Bắc Kinh đang đầu tư những nguồn lực “chưa từng thấy” vào công tác nghiên cứu-phát triển và sản xuất.

Từ vị thế khách hàng, Trung Quốc đang nhanh chóng vươn lên trở thành đối thủ cạnh tranh với Nga trên thị trường vũ khí.

Mặt khác, chi tiêu quốc phòng của Nga đã giảm dần từ năm 2015 và theo các chuyên gia, công tác đổi mới của Nga đã đến giai đoạn đình trệ. Thêm nhiều khó khăn kinh tế đã cản trở nỗ lực của chính phủ trong việc rót thêm vốn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển quốc phòng, từ đó giúp Trung Quốc nhanh chóng dẫn đầu thị trường.

Quân Minh

Bài mới
Đọc nhiều