“Vũ khí tiền tệ” khôn ngoan của NHNN
Nhận định về kinh tế vĩ mô Việt Nam, trang Sputnik (Nga) cho biết, một trong những “vũ khí” quan trọng trong nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là điều hành linh hoạt tỷ giá. Thành công trong chính sách tiền tệ giúp giảm bớt căng thẳng thanh khoản và áp lực đối với nền kinh tế Việt Nam.
Bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần tăng lãi suất, hàng loạt đồng tiền mất giá mạnh thì tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.
Chính sách tỷ giá: Ghìm đồng USD
Chính sách tỷ giá là những hoạt động của chính phủ mà đại diện thường là Ngân hàng trung ương (ở Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước) thông qua một chế độ tỷ giá nhất định và hệ thống các công cụ can thiệp nhằm duy trì một mức tỷ giá cố định hay tác động để tỷ giá biến động đến một mức cần thiết phù hợp với mục tiêu chính sách kinh tế quốc gia.
Thông thường, mục tiêu của chính sách tỷ giá tiền tệ chính là ổn định giá cả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm đầy đủ cho lao động, doanh nghiệp các ngành nghề, và quan trọng hơn là cân bằng cán cân vãng lai.
Tính đến nay, gần kết thúc năm 2022, tỷ giá đồng USD trung tâm tăng không nhiều so với đầu năm, chỉ khoảng 2,4%. So với diễn biến chung của các đồng tiền trên thế giới so với USD và thực tế đồng VND đang mất giá ít hơn và không suy yếu quá nhiều.
Kết thúc tuần giao dịch giữa tháng 12 với diễn biến đi ngang của tỷ giá USD/VNĐ trên kênh ngân hàng. Dù vậy, về kênh điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhà điều hành vẫn liên tục phát tín hiệu ghìm giá đồng bạc xanh.
Mới đây, nhóm phân tích SSI Research cho biết, việc nới biên độ lên (+-5%) cho phép tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh linh hoạt hơn so với tỷ giá trung tâm. Trong ngắn hạn, điều chỉnh này là cần thiết khi tỷ giá sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài.
Các “vũ khí” quan trọng NHNN đã sử dụng
Có thể thấy, điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, nhiều đồng tiền phá giá ở mức cao là một thách thức rất lớn.
Đánh giá về động thái mới đây của NHNN khi phát tín hiệu mua vào USD, ông Trần Ngọc Báu, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành WiGroup, khẳng định, đây là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề mà những công cụ điều hành tiền tệ bình thường khó xử lý.
Theo ông Báu, việc NHNN chào mua USD tại mức 23.450 đồng thể hiện nhà điều hành cho rằng tỷ giá đã ở vùng phù hợp và không muốn tỷ giá tiếp tục giảm thêm, nên đã chặn sàn tại mức này.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, không chỉ có nới biên độ tỷ giá mà NHNN đã sử dụng hàng loạt chính sách linh động, bao gồm dự trữ ngoại hối, nghiệp vụ trên thị trường mở, tín phiếu và lãi suất.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá hối đoái tăng có lợi cho nhà xuất khẩu do xuất khẩu hàng hoá sang các nước khác rẻ hơn, ngược lại bất lợi cho nhập khẩu do hàng hoá từ bên ngoài sẽ trở nên đắt hơn. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nhập khẩu muốn hạn chế rủi ro tỷ giá trong những tháng tới đây nên tham gia thị trường mua ngoại tệ kỳ hạn, hoặc quyền chọn hoặc tham gia vào thị trường phái sinh để bảo vệ đồng tiền.
Cùng với đó, việc chấp nhận đồng nội tệ mất giá ở mức độ nào đó là phù hợp với bối cảnh chung, nhưng mức độ mất giá cụ thể là bao nhiêu sẽ là yếu tố phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng, cần có sự tính toán trên sự cân đối các yếu tố lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, thanh toán nợ.
Theo TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng học viện Ngân hàng TP.HCM, trong điều hành vĩ mô, Việt Nam luôn định hướng là điều hành ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đấy là mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt. Nhưng trong những thời điểm cụ thể thì có những mục tiêu sẽ được ưu tiên hơn, thời điểm hiện tại điều hành tỷ giá rất quan trọng, quan trọng hơn cả vì liên quan đến kỳ vọng lạm phát.
Điều hành thành công linh hoạt theo dòng chảy thị trường
Và trên thực tế, thị trường ngoại tệ của Việt Nam đang đón nhận khá nhiều thông tin tích cực, nhiều yếu tố đang khá thuận lợi đối với mục tiêu bảo vệ ổn định tỷ giá hối đoái của Việt Nam như là Việt Nam không còn nằm trong danh sách giám sát về thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ.
Theo báo cáo mới nhất, trong 3 tiêu chí để Mỹ xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại thì Việt Nam chỉ còn vượt ngưỡng duy nhất một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ.
Tổng cục Thống kê cho hay, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD). Một số thương vụ gọi vốn, huy động vốn quốc tế được các công ty công bố như: Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế (DFC) ký kết cho ngân hàng SeABank vay 200 triệu USD; ADB và ngân hàng VPBank ký kết gói vay xã hội trị giá 500 triệu USD… Mặc dù tổng giá trị các thương vụ này không lớn so với quy mô giao dịch thị trường ngoại tệ nhưng được coi là rất quý giá bởi ngoài việc bổ sung nguồn cung thì còn khẳng định niềm tin của tổ chức tài trợ vốn quốc tế đối với Việt Nam.
Như đã thấy qua được giai đoạn cầu đô la tăng cao vào cuối năm, vì doanh nghiệp cần nhập hàng, người dân cầ đô la vào cuối năm, gây áp lực lên tỷ giá nhưng điều này chỉ mang tính chu kỳ và khi qua tính chu kỳ đó thì NHNN đã bắt đầu giảm giá bán USD đi.
Và đúng như tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, “ổn định không có nghĩa là cố định” mà phải theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với biến động của thế giới. Mục tiêu của Việt Nam vẫn luôn là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, vẫn tiếp tục là ưu tiên xuyên suốt, lâu dài.
Đông Duy