‘Vũ khí thuế quan’ có giúp Tổng thống Trump trong thương chiến với Trung Quốc?
Tuyên bố hoãn thuế quan với hầu hết hàng hóa Trung Quốc ngày 13/8 của Tổng thống Trump đã ngầm chứng tỏ, “vũ khí thuế quan” sẽ không giúp ông đạt được mục tiêu trong thương chiến với Trung Quốc.
Đáp lại áp lực từ các doanh nghiệp và lo ngại cuộc chiến thương mại đang đe dọa nền kinh tế Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump ngày 13/8 (theo giờ Mỹ) đã tuyên bố sẽ trì hoãn hầu hết các loại thuế nhập khẩu mà họ dự định áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, kế hoạch áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai vào ngày 1/9 sẽ được hoãn tới ngày 15/12. Ngoài ra, một số sản phẩm nhất định bị loại khỏi danh sách chịu thuế do vấn đề về an ninh quốc gia, an toàn sức khỏe và các yếu tố khác.
Số mặt hàng được hoãn thuế lên tới hàng nghìn sản phẩm, ước tính chiếm khoảng một nửa danh sách 300 tỷ USD, điển hình là mặt hàng tiêu dùng phổ biến như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game video, một số đồ chơi, màn hình máy tính, giày và quần áo.
Tổng thống Trump đã nhiều lần lập luận rằng, thuế quan của ông đang làm tổn thương Trung Quốc, chứ không phải người tiêu dùng Mỹ. Nhưng bằng cách trì hoãn mức thuế cao hơn đối với hàng tiêu dùng, Tổng thống Mỹ đã ngầm thừa nhận, thuế nhập khẩu của ông cũng sẽ gây sức ép lên các hộ gia đình Mỹ. Theo đó, thuế quan là các khoản thuế được trả bởi các nhà nhập khẩu Mỹ, không phải bởi Trung Quốc, và khoản thuế này thường được chuyển cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng Mỹ thông qua việc tăng giá sản phẩm.
Ngay sau tuyên bố trì hoãn thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, nhiều chuyên gia nhận định, trì hoãn thuế quan là động thái làm dịu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sau những bước leo thang chóng mặt thời gian gần đây. Và cũng có thể, động thái này thể hiện một sự nhượng bộ nhất định của Tổng thống Trump trước khi cuộc đàm phán tiếp theo giữa Bắc Kinh và Washington dự kiến được nối lại vào tháng Chín tới.
Một nhóm đại diện cho ngành may mặc của Mỹ hoan nghênh động thái trì hoãn thuế quan của Tổng thống Trump và đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc đàm phán tới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Rick Helfenbein, người đứng đầu Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ cho biết, mặc dù thuế quan đang được trì hoãn đối với một số mặt hàng giày dép và quần áo trong 105 ngày nhưng đây vẫn là mối lo đối với các nhà bán lẻ Mỹ trong thời gian tới. “Việc cứu trợ tạm thời về thuế quan không phải là cách để đạt được mục tiêu của Tổng thống Trump”, ông Helfenbein nói.
Công ty đồ chơi Basic Fun có trụ sở tại Boca Raton, Florida (Mỹ) đã định giá sản phẩm cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh do chịu tác động của thuế quan. Giám đốc điều hành của công ty đồ chơi Basic Fun Jay Foreman cho rằng, công ty đã xem xét nhiều kế hoạch để bù đắp chi phí cao hơn về đợt thuế quan mới nhất của Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, ông Jay Foreman coi thuế quan là mối đe dọa nghiêm trọng.
Chính quyền Tổng thống Trump đang đấu tranh với chính quyền Trung Quốc về các cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp bí mật thương mại, buộc các công ty nước ngoài phải bàn giao công nghệ và trợ cấp không công bằng cho các công ty của chính quốc gia này. Nhưng 12 vòng đàm phán đã thất bại, cả hai quốc gia đều không đưa ra bất kỳ nghị quyết nào. Ngược lại, cả hai quốc gia sẵn sàng sử dụng mức thuế quan “ăn miếng trả miếng” lên hàng hóa của nhau.
Ngày 11/8 vừa qua, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đã hạ dự báo kinh tế Mỹ với lý do thuế quan sắp “đánh trực tiếp” vào hàng tiêu dùng. Goldman Sachs cũng nhận thấy, thuế quan đối với Trung Quốc đã làm tăng sự không chắc chắn cho các doanh nghiệp, điều này có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng việc đầu tư vào thiết bị hoặc phần mềm mới.
Ông David Dollar, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings, cựu quan chức của Ngân hàng Thế giới và Kho bạc Mỹ cho biết, vấn đề khúc mắc trong căng thẳng thương mại giữa hai nước chính là các chiến thuật thuế quan của ông chủ Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ đang cố gắng sử dụng thuế quan như một vũ khí nhưng vũ khí đó lại tác động ngược.
Theo ông David Dollar, bất chấp tuyên bố hoãn thuế, triển vọng đàm phán vẫn mờ mịt. Kết quả tốt nhất có thể xảy ra sẽ là một thỏa thuận nhỏ. Trung Quốc đồng ý mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này. Đổi lại, có thể Mỹ sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei.
Ông Scott Kennedy, nhà phân tích kinh tế của Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Mỹ khẳng định, cho đến nay, thuế quan của Tổng thống Trump đã thất bại trong việc khiến Chủ tịch Tập Cận Bình phải nhượng bộ trước những yêu cầu của Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng nên loại bỏ vĩnh viễn các mức thuế có hại này và tìm cách khác để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hoạt động giao dịch không công bằng.
“Quyết định trì hoãn thuế quan cho thấy, hai nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau và sự phụ thuộc này mang lại lợi ích cho người Mỹ. Điều này cũng chứng tỏ, Tổng thống Trump sẽ không dễ để trừng phạt Trung Quốc một cách thảnh thơi”, ông Kennedy nói.
N.Cường