+
Aa
-
like
comment

“Vũ khí” ngăn cú sốc từ những bất ổn toàn cầu

Huy Hoàng - 27/10/2022 11:29

Trong lúc tình hình căng thẳng vì chiến tranh và suy thoái, thì một xu hướng tiêu dùng mới đang nổ ra trên toàn cầu. Và những quốc gia nào đi đầu trong lĩnh vực này được cho là sẽ hưởng lợi bất chấp những khó khăn.

Kho hàng khổng lồ của Amazon

Mua sắm xuyên biên giới đang trở thành xu hướng trên toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam là thị trường mua sắm xuyên biên giới đứng thứ 2 Đông Nam Á.

Việc mua hàng xuyên biên giới giờ đã không còn là chuyện lạ. Nhưng điểm lạ là giờ đây thay vì phải chờ hàng tuần thì chỉ trong vòng 3 ngày, những bưu phẩm đã vượt hàng nghìn km về đến tận tay người dùng ở Việt Nam. Thực tế đó cho thấy thông qua việc số hóa chuỗi cung ứng và mở rộng nó ra toàn cầu, đã giúp cho một số doanh nghiệp nước ngoài mở rộng được thị phần nhanh chóng và cạnh tranh hơn.

Nhiều sự thay đổi đã diễn ra, bắt đầu từ việc người dùng mua sắm online trong nước nhiều hơn, thì giờ đây mua hàng từ những quốc gia khác đang là một trải nghiệm mới mẻ. Người tiêu dùng cực kỳ tò mò và rất muốn trải nghiệm về những sản phẩm nội địa của nước khác ở bên kia giới hoặc thậm chí là ở bên kia lục địa. Minh chứng cho xu hướng này chính những chiếc lá chuối bạt ngàn khắp Việt Nam lại được bán với giá xấp xỉ 500 nghìn đồng ở Nhật Bản, mỗi lá tía tô trồng trong vườn mỗi nhà lại được bán với giá 700 đồng hay lọ dầu cao sao vàng có giá xấp xỉ 10 USD trên Amazon, Ebay…

Khi nói đến hoạt động mua hàng nước ngoài, người mua sắm xuyên biên giới ở các nền kinh tế phát triển cho rằng việc mua sắm xuyên biên giới sẽ đem đến cho họ cơ hội tiếp cận nhiều mẫu mã sản phẩm hơn với chất lượng tốt hơn. Họ cũng lướt xem hàng hóa của các nhà bán lẻ nước ngoài với hy vọng khám phá ra những sản phẩm mới mẻ và thú vị. Trải nghiệm mới mẻ này đang tạo ra một miếng bánh kinh doanh tiềm năng. Điều đó sẽ tạo động lực tăng trưởng cho những ai biết nắm bắt cơ hội khi cơn bão suy thoái tới gần khiến các đơn đặt hàng truyền thống đang ngày một giảm đi.

Việc số hóa chuỗi cung ứng sẽ tạo một không gian mới giúp hàng hoá vẫn được luân chuyển suôn sẻ bất chấp những biến động của quốc tế. Từ đó đảm bảo một trải nghiệm tốt cho người mua hàng, gia tăng doanh số và khả năng tiếp thị nhiều mặt hàng mới cho nhà kinh doanh.

Dựa trên dữ liệu thu về, các nhà kinh doanh có thể phân loại được nhóm khách hàng nào là tiềm năng, những thị trường nào là chủ lực, để lên kế hoạch đầu tư những kho hàng ở gần, đáp ứng việc giao hàng nhanh chóng cho khách hang quốc tế. Cũng như kịp thời phân phối nguồn hàng ngăn những đứt gãy về chuỗi cung ứng bất ngờ xảy ra.

Ngành Logistics “xung kích” với số hóa

Vì thế việc số hóa logistics không chỉ đơn thuần là đưa hàng lên các trang thương mại điện tử xuyên quốc gia, cũng không phải là chuyển hoạt động logistics từ trực tiếp sang trực tuyến mà là phải ứng dụng CNTT (Big Data, AI, …) vào toàn bộ quá trình từ lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa, thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu, vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.

Việt Nam là một nước xuất siêu hàng hóa nên do đó không thể đứng ngoài cuộc chuyển đổi này. Không chỉ phải số hóa nền kinh tế trong nước mà còn phải số hóa mạng lưới logistics. Từ đó để hệ thống bán lẻ Việt Nam có thể vượt ra ngoài biên giới, kinh doanh hiệu quả và lấy về nhiều đơn hàng nhất có thể.

Cần một hệ thống logistics kết nối các nhà sản xuất trong nước với nguồn khách hàng nước ngoài. Một mặt điều này giúp gia tăng doanh số, giới thiệu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam, mặt khác giúp ngành công nghiệp chế biến Việt Nam sáng tạo nhiều sản phẩm độc đáo, đáp ứng nhu cầu bạn bè quốc tế.

Với xu thế toàn cầu hóa hiện nay đang bị thách thức nặng nề bởi những bất ổn, do đó không ai có thể đi một mình, các doanh nghiệp Việt cần cộng hưởng các thế mạnh để thiết lập một hệ thống E-logistic ra toàn cầu. Một hệ thống E-logistic quốc tế đủ rộng còn đánh giá các mặt hàng của Việt Nam đang ở đâu thị trường thế giới. Chỉ như vậy mới có thể sửa những chỗ khuyết, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều