+
Aa
-
like
comment

“Vũ khí mềm” giúp Iran chiến thắng trong những cuộc xung đột và cấm vận của phương Tây

30/06/2025 17:26

Giữa làn sóng cấm vận và đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ phương Tây, đặc biệt sau các vụ tập kích qua lại giữa Israel và Iran, nhiều người cho rằng lợi thế lớn nhất của Tehran vẫn là dầu mỏ – thứ từng khiến nước Cộng hòa Hồi giáo này thành viên không thể thay thế trong OPEC. Nhưng đó chỉ là bề nổi. Dưới lòng đất Iran là cả một kho báu địa chất: hơn 12 triệu tấn khoáng sản kim loại quý hiếm, từ lithium, bauxite, đồng, đến đất hiếm – thứ tài nguyên ngày càng đóng vai trò chiến lược trong cuộc đua công nghệ và quốc phòng toàn cầu.

Zarshuran ở thành phố Takab – mỏ vàng lớn nhất của Iran và Trung Đông.

Kho báu thầm lặng dưới chân dãy Zagros

Theo ước tính từ Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran, nước này hiện đang sở hữu khoảng 68 loại khoáng sản công nghiệp và kim loại hiếm, với tổng giá trị dự trữ ước tính trên 800 tỷ USD. Trong đó, đồng, sắt, nhôm, kẽm và đặc biệt là đất hiếm và lithium – vốn là xương sống của ngành công nghiệp pin, vũ khí chính xác cao, trí tuệ nhân tạo – đang trở thành “át chủ bài” tiềm ẩn. Iran cũng đang nắm giữ khoảng 7% trữ lượng đồng toàn cầu và nằm trong nhóm 10 quốc gia có tiềm năng đất hiếm chưa được khai phá đầy đủ.

Dưới tác động của cấm vận, Tehran buộc phải giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô và tìm cách tận dụng các nguồn tài nguyên chưa bị phong tỏa – và khoáng sản chính là lựa chọn thực dụng, thông minh.

Phương Tây từng dùng năng lượng để phong tỏa Iran. Nhưng khi dầu mỏ có thể bị chế tài, khoáng sản lại trở thành lĩnh vực khó kiểm soát hơn, nhất là khi các công ty và quốc gia đối tác có thể mua qua trung gian hoặc qua các cơ chế thanh toán phi truyền thống như barter (hàng đổi hàng) hay tiền điện tử. Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ đất hiếm và lithium lớn nhất thế giới – chính là đối tác tiềm năng của Tehran trong lĩnh vực này.

Thay vì đối đầu trực diện, Iran đang chuyển hướng sang “xuất khẩu chiến lược tài nguyên”, qua đó thu hút đầu tư, công nghệ và bảo vệ ảnh hưởng địa chính trị. Khi lithium, đất hiếm, và đồng trở thành “huyết mạch” của công nghiệp xe điện, quốc phòng và công nghệ cao, quốc gia nào kiểm soát được nguồn cung – quốc gia đó có thể tạo thế mặc cả trước sức ép toàn cầu.

Iran đang gia tăng đáng kể sự hiện diện của vàng trong cấu trúc kinh tế quốc gia.

Cơ hội để phá vòng vây và thiết lập liên minh mới

Trong bối cảnh các cường quốc công nghệ đang đua nhau đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên liệu – tránh phụ thuộc vào Trung Quốc – Iran xuất hiện như một “ẩn số tiềm năng” mà nhiều nước đang cân nhắc bắt tay trong âm thầm. Nga, Ấn Độ, và một số nước Trung Á cũng đang đẩy mạnh các kênh hợp tác khai khoáng với Tehran. Bằng việc dùng khoáng sản làm đòn bẩy, Iran không chỉ tìm cách phá thế bao vây của Mỹ, mà còn khôn khéo chuyển hướng sang những liên minh “ngoài vùng ảnh hưởng Washington”.

Đồng thời, khoáng sản cũng là “củ cà rốt” mà Tehran đưa ra để đổi lấy công nghệ khai thác hiện đại từ các đối tác thân thiện, giúp nước này không chỉ là nguồn cung mà còn trở thành trung tâm chế biến trong tương lai.

Dù tiềm năng rất lớn, nhưng Iran chưa thể tận dụng triệt để vì hệ thống khai thác còn lạc hậu, bị thiếu đầu tư và chịu hạn chế bởi các lệnh cấm vận công nghệ. Ngoài ra, nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực, sự bất ổn chính trị nội bộ và căng thẳng xã hội cũng có thể làm gián đoạn kế hoạch “vũ khí hóa” khoáng sản.

Vũ khí mềm của Iran không nổ súng – nhưng đôi khi lại ép cả thế giới phải lắng nghe.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cách Iran trụ vững sau gần 4 thập kỷ bị trừng phạt, và giờ đây vẫn chủ động can dự trong các cuộc chơi lớn như Syria, Yemen, hay đối đầu Israel, có thể thấy: khoáng sản sẽ không chỉ là cứu cánh kinh tế, mà là đòn bẩy quyền lực kiểu mới của Iran trong một thế giới đang tái định hình theo các trục nguyên liệu và năng lượng.

Nếu dầu mỏ từng là “vàng đen” giúp Iran cất cánh trong thế kỷ XX, thì đất hiếm, lithium, đồng đang là “vàng công nghệ” của thế kỷ XXI. Trong cuộc chơi địa chính trị mới, Iran có thể không cần phóng tên lửa để tạo sức ép – chỉ cần một chính sách khoáng sản khôn khéo và hợp tác đúng lúc, Tehran có thể buộc phương Tây phải đàm phán, hoặc chí ít là dè chừng.

Như Phương 

Bài mới
Đọc nhiều