Vũ khí “Made in Vietnam” lần đầu “xuất ngoại” với quy mô lớn chưa từng có: Tầm cỡ Thế giới
Chưa bao giờ vũ khí Việt xuất ngoại có quy mô lớn đến thế, khiến quan khách quốc tế ngỡ ngàng. Indo Defence là dấu mốc mới với CNQP Việt Nam, lần đầu “đem chuông đi đánh xứ người”.
Lần đầu vũ khí “Made in Vietnam” xuất ngoại với quy mô lớn
Tại Jakarta, Indonesia, những vũ khí “Made in Vietnam” đã khiến quan khách quốc tế phải ngỡ ngàng khi tới tham dự Triển lãm có tầm cỡ thế giới và được đánh giá hàng đầu khu vực Indo Defence 2018.
Đây là lần đầu tiên nhiều sản phẩm của công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam cùng lúc xuất ngoại với quy mô lớn đến vậy, đủ khắp các lĩnh vực, từ lục quân, phòng không – không quân cho tới hải quân.
Nhiều quan chức quốc phòng các nước và khách thăm quan đã lưu lại khu vực gian hàng của nước ta khá lâu để tìm hiểu tính năng kỹ-chiến thuật của các loại vũ khí, trang bị “Made in Vietnam”.
Chúng ta hết sức lấy làm vui mừng vì sức hút rất lớn của những sản phẩm tinh hoa được chế tạo từ bàn tay, khối óc người Việt và có quyền tự hào về sự lớn mạnh của ngành CNQP trong nước.
Trong số các sản phẩm CNQP Việt Nam đưa tới giới thiệu tại triển lãm lần này có những điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, gần như các loại súng bộ binh mới nhất do Việt Nam chế tạo đã có mặt tại gian hàng, từ súng tiểu liên, trung liên cho tới súng bắn tỉa hạng nặng cùng các loại súng chống tăng, pháo cối cỡ lớn, đi kèm theo là các loại đạn pháo, đạn chống tăng và đạn súng bộ binh.
Bên cạnh đó là các loại kính ngắm quang học, kính ngắm quang – hồng ngoại, kính nhìn đêm giúp nâng cao độ chính xác cho mỗi phát bắn và phát huy tối đa đặc tính kỹ – chiến thuật của những vũ khí này.
Ngoài ra, các thiết bị thông tin liên lạc chế tạo trong nước đã khiến không ít khách thăm quan phải dừng bước xem xét.
Thứ hai, các loại vũ khí hải quân, cảnh sát biển và biên phòng từ tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya, tàu pháo TP-400, tàu tuần tra đa năng DN-2000, tàu tuần tra cao tốc TT-400,… cũng thu hút được sự quan tâm lớn của khách hàng.
Thứ ba, mặc dù chưa có điều kiện để đưa sản phẩm thật tới triển lãm nhưng các vũ khí trang bị dành cho phòng không – không quân, đặc biệt là radar và UAV do Việt Nam chế tạo vẫn được giới thiệu rất trang trọng và đẹp mắt trong các cuốn catalogue với thiết kế chuyên nghiệp.
Có thể nói, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất tự chế tạo được radar phòng không. Đáng chú ý là không chỉ có một loại mà là rất nhiều loại, trong đó có những sản phẩm có khả năng phát hiện cả máy bay tàng hình. Điều này chắc chắn đã gây ngạc nhiên lớn với giới quan sát quân sự quốc tế.
… tới triển vọng về những hợp đồng xuất khẩu vũ khí đầu tiên
Sự lớn mạnh của CNQP Việt Nam trong thời gian qua là hết sức đáng ghi nhận, tuy nhiên, “chiếc áo có vẻ đã bắt đầu bị chật” bởi lẽ nhu cầu trang bị cho QĐND Việt Nam dù lớn đến mấy rồi cũng không thế tiêu thụ hết sản phẩm trong nước làm ra.
Muốn duy trì được dây chuyền sản xuất, giữ được đội ngũ kỹ sư và thợ lành nghề, muốn có thêm nguồn vốn để tiến tới nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí trang bị hiện đại hơn thì CNQP Việt Nam cần phải mở rộng thị trường, và xuất khẩu là cách tốt nhất.
Đây là mô hình và chu trình tưởng như khép kín nhưng thực chất lại rất mở mà nhiều nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến đang áp dụng.
Ngoại trừ những “ông lớn” như Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Israel vốn có truyền thống đứng đầu bảng trên thị trường vũ khí thế giới thì chúng ta không thể không nhắc tới những “quốc gia mới nổi” như Hàn Quốc, Nam Phi, Brazil, Singapore… cũng bắt đầu cạnh tranh quyết liệt nhằm giành giật thị phần.
Họ đã và đang vừa đảm bảo tốt vũ khí trang bị cho quân đội của mình, vừa xuất khẩu, đem lại nguồn thu ngoại tệ rất lớn để tích lũy nguồn lực nhằm phát triển nhiều loại vũ khí trang bị tối tân hơn nữa, xứng đáng là những mô hình tốt để CNQP Việt Nam nói chung và lĩnh vực xuất khẩu vũ khí nói riêng của nước ta học tập.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi mô hình phát triển đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, nếu Việt Nam biết chắt lọc tinh hoa và những bài học kinh nghiệm cả thành công và thất bại của các nước bạn để lựa chọn cho mình những mô hình, chiến lược phát triển đúng đắn trên cơ sở vững chắc, thực chất thì chúng ta sẽ sớm gặt hái quả ngọt.
Hy vọng từ những kinh nghiệm thu được từ lần đầu “đem chuông đi đánh xứ người” với quy mô lớn và nhận được sự quan tâm đáng kể của quan khách nước ngoài như vậy, công nghiệp quốc phòng Việt Nam sẽ có được những hợp động xuất khẩu vũ khí đầu tiên trong tương lai gần để vũ khí “Made in Vietnam” vươn cao, bay xa.
Bình Nguyên