‘Vũ khí’ để ông Biden trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông
Dù đưa ra nhiều chính sách mạnh mẽ, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa chơi “tất tay” với Trung Quốc ở Biển Đông, nên ông Joe Biden vẫn còn nhiều biện pháp để trừng phạt Bắc Kinh liên quan vấn đề này.
Trong những ngày cuối cùng ông Donald Trump tại vị ở Nhà Trắng, chính quyền Washington đã công bố lệnh trừng phạt Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) vì giúp chính quyền Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông. CNOOC là đơn vị sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng được điều động xâm phạm chủ quyền VN trên Biển Đông.
Chính quyền ông Trump chọn sai mục tiêu ?
Nhận xét về động thái trên khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Gregory B.Poling (Giám đốc chương trình AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS, Mỹ) cho rằng: “CNOOC là công ty đáng chú ý nhất không nằm trong nhóm bị trừng phạt hồi tháng 8.2020 (liên quan Biển Đông – NV), nên việc Washington giờ đây trừng phạt thêm công ty này thì không có gì đáng ngạc nhiên”.
Dù cho rằng lệnh trừng phạt trên mang ý nghĩa gửi thông điệp cam kết của Washington với Đông Nam Á, nhưng ông Poling cũng đánh giá: “Các điều khoản trừng phạt CNOOC chủ yếu mang tính tượng trưng, chứ không phải là các biện pháp trừng phạt tài chính. Và một điều đáng quan tâm là giống như danh sách trừng phạt hồi tháng 8.2020, Washington dường như đang chọn sai đối tượng để trừng phạt. Ví dụ những hành vi của CNOOC đối với Biển Đông thì đã diễn ra từ năm 2014, tương tự một số công ty nạo vét để Trung Quốc xây dựng hạ tầng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông thì hành vi cũng đã diễn ra từ năm 2013 – 2015”.
Theo ông Poling, biện pháp trừng phạt sẽ hiệu quả hơn nếu nhằm vào các hoạt động khảo sát, khai thác thủy sản trái phép cũng như lực lượng dân quân biển và các đối tượng khác ở Trung Quốc đang vi phạm ở Biển Đông.
Dư địa cho ông Biden
Hiện tại, liên quan Biển Đông, quốc hội Mỹ đang có dự luật “Đạo luật trừng phạt liên quan Biển Đông và biển Hoa Đông” có mã S.1634 được bảo trợ bởi nghị sĩ Marco Rubio tại Thượng viện, và H.R.3508 được bảo trợ bởi nghị sĩ Mike Gallagher tại Hạ viện.
Dự luật trên vạch ra các phương án trừng phạt cụ thể. Theo đó, sau 60 ngày kể từ khi dự luật được ký thành luật, chính quyền Mỹ sẽ lên danh sách các cá nhân Trung Quốc có đóng góp vào các dự án xây dựng đảo nhân tạo, trạm cơ sở mạng lưới thông tin di động, cơ sở cung cấp điện và nhiên liệu lẫn cơ sở hạ tầng dân sự ở Biển Đông đang bị tranh chấp.
Danh sách sẽ bao gồm cả những cá nhân người Trung Quốc liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp trong các hành động đe dọa đến hòa bình, ổn định của Biển Đông tại những khu vực đang được kiểm soát bởi một thành viên trong ASEAN.
Sau khi có danh sách các cá nhân vi phạm như trên, chính quyền Mỹ sẽ tiến hành biện pháp trừng phạt nhằm vào các đối tượng này. Nổi bật có biện pháp: Ngăn chặn hoặc cấm giao dịch các tài sản mà đối tượng sở hữu trực tiếp hoặc tài sản mà đem lại nguồn lợi cho đối tượng tại Mỹ; Không cấp visa vào Mỹ, nếu đang có visa thì hủy. Những người vi phạm còn có thể chịu nhiều hình thức trừng phạt khác liên quan đến tài chính.
Đây là các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn với nhiều chế tài, chứ không chỉ hạn chế giao thương như cách thức trừng phạt mà chính quyền của Tổng thống Trump đang tiến hành. Vì thế, đây chính là dư địa chính sách để Tổng thống tân cử Joe Biden có thể khai thác nhằm trừng phạt Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông.
Nhà máy sản xuất khí đốt nước sâu của Trung Quốc sẵn sàng hoạt động
Đài CGTN ngày 18.1 đưa tin nhà máy sản xuất khí đốt ở vùng nước sâu, với thiết kế nửa chìm nửa nổi (ảnh), của CNOOC đã sẵn sàng đến mỏ khí đốt nước sâu ở Biển Đông. Nhà máy này sẽ được đưa đến lô dầu Lingshui 17-2 nằm sâu 1.500 m và cách 150 km về phía nam của TP.Tam Á, tỉnh Hải Nam. Đây là nhà máy khí đốt nước sâu đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo, có phần thân chính nặng 110.000 tấn, sàn rộng bằng 2 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, có thể chứa tối đa 21.000 m3 dầu…