+
Aa
-
like
comment

Vụ học sinh trường Gateway: vì sao chỉ một cô giáo bị đề nghị truy tố?

07/12/2019 16:34

Trong bản kết luận điều tra dài 37 trang, bị can Nguyễn Thị Thủy (29 tuổi, cô giáo chủ nhiệm của bé Lê Hoàng Long) là giáo viên duy nhất, bị công an cáo buộc và đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài hai bị can Nguyễn Bích Quy (55 tuổi, người đưa đón) và Doãn Quý Phiến (53 tuổi, tài xế) bị đề nghị truy tố về tội “vô ý làm chết người”, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy còn đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố Nguyễn Thị Thủy (29 tuổi, chủ nhiệm lớp 1 Tokyo) về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cô giáo chủ nhiệm tự điền bé Long vắng mặt có lý do

Học sinh trường Gateway chết trên xe đưa đón: vì sao chỉ một cô giáo bị đề nghị truy tố? - Ảnh 1.
Tài xế Doãn Quý Phiến được công an dẫn đến cổng trường Gteway thực nghiệm lại hiện trường – Ảnh: DANH TRỌNG

Theo kết luận điều tra, theo quy định của Trường Gateway, giáo viên chủ nhiệm phải điểm danh học sinh vào đầu buổi học, ghi sĩ số lên góc bảng và cập nhật kết quả điểm danh lên phần mềm quản lý trường học Sycamore.

Kết luận điều tra nêu: khoảng 7h50 ngày 6-8-2019, bị can Nguyễn Thị Thủy (29 tuổi) vào lớp điểm danh học sinh và phát hiện Long vắng mặt không lý do nhưng lại không ghi sĩ số lên góc bảng. Bị can Thủy cũng không cập nhật số học sinh vắng lên phần mềm quản lý.

Bị can Nguyễn Thị Thủy sau đó tiếp tục dạy môn tiếng Việt, đến 9h24 thì cho học sinh ra chơi. Đến 10h, nhân viên giáo vụ của nhà trường nhắc bị can Thủy về việc cập nhật kết quả điểm danh lên phần mềm.

Bị can Thủy nói chưa biết cách thao tác nên được nhân viên giáo vụ chỉ cách thao tác. Bị can Thủy thông báo lớp 1 Tokyo vắng học sinh Long và được giáo vụ chỉ cách đánh dấu học sinh vắng mặt có lý do hoặc không lý do.

Sau khi điền xong, bị can Thủy không kiểm tra lại mà để nguyên thông tin cháu Long vắng mặt có lý do rồi cập nhật lên phần mềm.

Theo kết luận điều tra, bị can Thủy được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo và đã được tập huấn sổ tay giáo viên và nhân viên năm học 2019-2020.

Bị can cũng được tập huấn sử dụng phần mềm Sycamore và trực tiếp chủ trì buổi họp phụ huynh để truyền đạt nội dung kênh liên lạc giữa phụ huynh học sinh và nhà trường. Do đó, bị can Thủy phải nắm rõ nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm phải làm gì khi học sinh vắng mặt.

Cũng theo bản kết luận điều tra, ngày 6-8-2019, bị can Thủy không ghi sĩ số học sinh lên góc bảng và cũng không cập nhật kết quả điểm danh học sinh lên phần mềm quản lý của nhà trường theo quy định.

Khi được nhân viên giáo vụ nhắc nhở, bị can Thủy lại cập nhật sai thông tin. Đầu giờ học, nữ bị can biết rõ Long vắng mặt không lý do song không liên lạc, trao đổi với gia đình cháu bé nên không phát hiện học sinh Long bị bỏ quên trên ôtô đưa đón.

Ngày 7-8, một ngày sau khi xảy ra vụ việc, bị can Thủy nhờ nhân viên giáo vụ kiểm tra lại phần mềm điểm danh thì phát hiện đánh dấu cháu Long vắng mặt có lý do, nên nhờ sửa lại thành vắng mặt không lý do.

Hiệu trưởng trường Gateway nghỉ ốm

Học sinh trường Gateway chết trên xe đưa đón: vì sao chỉ một cô giáo bị đề nghị truy tố? - Ảnh 2.
Trường tiểu học Gateway – nơi xảy ra vụ bé trai 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón – Ảnh: NAM TRẦN

Ngoài cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy, cơ quan điều tra xác định những người liên quan khác trong nhà trường đã làm hết nhiệm vụ được giao nên không có căn cứ xử lý.

Trong đó, Hiệu trưởng Trường tiểu học Gateway Dương Thị Hoài Anh đã có đơn xin nghỉ ốm bắt đầu từ ngày 1-6, do vậy không phải chịu trách nhiệm về việc bé Long tử vong.

Bà Vũ Thị Lệ Hằng giữ chức vụ phụ trách nề nếp kỷ luật và quản lý công tác giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến kỷ luật học sinh, giáo dục nề nếp, đạo đức học sinh và đặc biệt là hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm khi có đề nghị.

Ngày 6-8, bị can Thủy không có yêu cầu hỗ trợ nên bà Hằng đã cử nhân viên của mình đi theo dõi nề nếp các các lớp. Theo công an, bà Hằng đã làm hết nhiệm vụ được giao.

Theo kết luận điều tra, nhân viên giáo vụ của trường Gateway có chức năng tổng hợp thông tin trên phần mềm quản lý của nhà trường, trong đó có thông tin điểm danh, để đối chiếu với thông tin xin nghỉ học của phụ huynh học sinh.

Nhân viên giáo vụ chỉ đôn đốc giáo viên chủ nhiệm điểm danh học sinh chứ không có trách nhiệm liên hệ với phụ huynh khi học sinh vắng mặt.

Bởi vậy trách nhiệm trong vụ này chỉ thuộc về giáo viên chủ nhiệm.

Đại diện trường Gateway đã đề nghị trả lại hơn 150 triệu đồng tiền học phí 1 năm mà gia đình đã nộp song gia đình cháu Long chưa đồng ý nhận lại. Đại diện của bé Long cũng chưa có yêu cầu gì về bồi thường dân sự.

Chiếc áo phông đỏ của bé Long ở đâu?

Kết luận điều tra cũng chỉ rõ nguyên nhân tại sao khi đi học bé Long mặc áo đỏ nhưng khi phát hiện bé Long tử vong lại mặc áo màu ghi.

Theo kết luận điều tra, trước khi đi học, cháu Long được mẹ đẻ chuẩn bị cho một áo phông cộc tay màu đỏ, có cổ, trên áo có ghi dòng chữ Gateway và một áo phông cộc tay màu ghi, có cổ, trên áo có ghi dòng chữ Gateway, một quần soóc màu xanh tím than.

Sau đó, mẹ cháu Long đưa số đồ này cho dì ruột của cháu. Dì ruột đã lấy chiếc áo phông cộc tay màu đỏ, quần soóc màu xanh tím than mặc cho bé Long trước khi đi học, còn chiếc áo phông cộc tay màu ghi được cất trong ba lô.

Sau khi phát hiện nạn nhân tử vong, công an khám nghiệm trên ôtô phát hiện trong ba lô của nạn nhân có chiếc áo phông màu đỏ. Kết luận điều tra cũng cho rằng khi công an khám nghiệm bên trong xe, tại vị trí cabin không phát hiện thấy các dấu vết xáo trộn, lục lọi.

Các vị trí khác cũng không có gì bất thường, xáo trộn. Còn phía bên ngoài xe không phát hiện thấy dấu vết cạy phá, các ô cửa kính vẫn còn nguyên trạng, kiểm tra hoạt động của các chốt khóa cửa xe hoạt động bình thường.

DANH TRỌNG/Tuổi Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều