+
Aa
-
like
comment

Vụ giáo viên xin nghỉ việc vì không chịu được dối trá: Giận sao cũng đừng…’tởm’

12/10/2021 07:27

Ngày 11/10, lá đơn xin nghỉ việc của một thầy giáo Đồng Nai được chia sẻ trên MXH, đến nay vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều. Tựu chung là lại “làm đau” giáo dục.

Việc thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên Trường Tiểu học An Lợi (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) làm đơn xin thôi việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài ngành giáo dục.

Những ý kiến bình luận đa dạng, nhưng tựu chung lại thêm một lần “làm đau” giáo dục. Là nhà giáo, tôi có mấy chia sẻ cùng độc giả.

Thầy ơi, dẫu giận thế nào cũng đừng... 'tởm'
Trường Tiểu học An Lợi (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai)

Thứ nhất, theo quy định hiện hành, giữa hiệu trưởng và giáo viên cùng ký kết hợp đồng làm việc (Hợp đồng làm việc có xác định thời hạn và Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn). Mỗi bên đều có quyền chấm dứt hợp đồng làm việc khi có nguyện vọng. Theo đó, đơn đề nghị giải quyết thôi việc theo luật định là không phù hợp. Hình thức trình bày không đúng với kỹ thuật trình bày một văn bản. Người viết đơn và hiệu trưởng ký vào đơn, vì thế, chưa đúng chưa trúng!

Thứ hai, khi đưa ra một quyết định quản lý, hiệu trưởng thật khó làm vừa lòng hết thảy giáo viên, nhân viên trong trường. Chỉ một, hai viên chức của trường có quyền lợi bị ảnh hưởng là sinh thắc mắc, khiếu nại, tố cáo. Tất nhiên cũng có hiệu trưởng sai phạm, được giáo viên chỉ ra điều đó, dù là bằng đơn tố cáo, sẽ giúp cấp trên hiệu trưởng và bản thân hiệu trưởng có thông tin, điều chỉnh để có thay đổi tích cực. Nếu người tố cáo chưa đồng ý với kết luận thanh tra thì gửi đơn lên cấp cao hơn. Nếu vẫn không tán thành thì tranh tụng tại tòa án. Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật nhà giáo phải tiên phong.

Thứ ba, thầy cô giáo là trí thức, lời ăn, tiếng nói cần chuẩn mực, đó còn là biểu hiện đạo đức nhà giáo. Ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung luôn mong muốn, mỗi thầy cô là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trước hết, đó là gương sáng “học ăn, học nói”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bức xúc đến đâu cũng phải viết trong sáng.

Nội dung thầy Sơn đề cập trong đơn, đúng hay sai, sẽ được xem xét. Nhưng, tôi sốc khi thầy Sơn viết: “Công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá …” sao thầy quy nạp đến độ nghiệt ngã và dùng từ “đen” đến thế!?

“Tởm”, dân gian ít dùng huống chi là nhà giáo, và lại viết trong một đơn đề nghị. Thầy giận quá mất khôn hay …? Đơn này được chia sẻ khắp trên mạng xã hội, học trò, phụ huynh, đồng nghiệp, người dân nghĩ gì về giáo giới? Đừng nói rằng việc ấy chỉ ở trường thầy Sơn công tác, hãy đọc những bình luận về vụ việc này, 1.001 kiểu chế nhạo giáo dục! Thầy Sơn nghĩ sao? Nội dung đơn của thầy vượt khỏi thầy, ra khỏi cổng Trường Tiểu học An Lợi, đang đi xa với tốc độ nhanh, thầy biết không?

Thứ tư, hiệu trưởng khi nhận đơn của thầy Sơn, xử lý quá vội! Là hiệu trưởng, biết nhẫn nhịn để xử lý khôn khéo đó là nghệ thuật quản lý. Người ta thường nhấn mạnh vai trò hiệu trưởng là “leader” không phải ‘manager”. Giáo viên nhất thời có thể ghét, nặng lời với hiệu trưởng, nhưng quyền lực cao nhất của hiệu trưởng là tha thứ cho những giáo viên vì lý do nào đó họ nông cạn. Hiệu trưởng chứng minh qua công việc và thời gian sẽ trả lời.

Cuối cùng, mong UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện Long Thành nhanh chóng vào cuộc, công tâm thanh tra để có kết luận khách quan, trung thực, công bằng. Ai sai, người đó sẽ được xử lý, giúp mọi người hiểu đúng sự việc thầy Sơn nêu trong đơn.

Thầy giáo viết đơn xin nghỉ vì 'vấn nạn dối trá' nói gì?
Ông Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học An Lợi, Long Thành (Ảnh: NVCC)

Nhà giáo Nguyễn Hoàng Chương 

Bài mới
Đọc nhiều