+
Aa
-
like
comment

Vụ gian lận điểm thi: Vì sao Hà Giang báo cáo T.Ư xem xét 12 trường hợp?

02/10/2019 21:48

Ngoài các trường hợp bị xử lý kỷ luật, rút kinh nghiệm, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang cho biết sẽ báo cáo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo quy định đối với 12 trường hợp cán bộ, đảng viên ngoài Đảng bộ tỉnh quản lý.

Vụ gian lận điểm thi: Vì sao Hà Giang báo cáo T.Ư xem xét 12 trường hợp?
Vụ gian lận điểm thi: Vì sao Hà Giang báo cáo T.Ư xem xét 12 trường hợp?

Như Tiền Phong đã thông tin, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang vừa có thông báo kết quả kiểm tra, xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này. Theo đó, 151 cán bộ, đảng viên của tỉnh có liên quan vụ gian lận thi cử.

Đến nay đã xử lý đối với 137 trường hợp cụ thể. Trong đó có 46 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đã bị xử lý kỷ luật; 29 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật được yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; 57 cán bộ, đảng viên hiện Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy và các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Hà Giang đang tiếp tục kiểm tra, xem xét xử lý…

Đặc biệt, trong số này có 12 trường hợp cán bộ, đảng viên ngoài Đảng bộ tỉnh quản lý, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang cho biết sẽ báo cáo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo quy định.

Theo một lãnh đạo nguyên là Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, những cán bộ ngoài tỉnh này có thể là những trường hợp trước đây công tác ở tỉnh nhưng sau đó đã được phân công, bổ nhiệm, điều chuyển đi nơi khác, thậm chí về Trung ương thì cấp trên phải xem xử lý theo quy định.

Bình luận về mức xử lý các cán bộ, đảng viên có con em nằm trong diện thi cử, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, UBKT T.Ư cho rằng, trong những vụ việc liên quan đến những cán bộ có chức, có quyền thì việc xử lý ở địa phương là rất khó khăn, không tránh khỏi tâm lý e dè, thậm chí theo dư luận là “nương nhẹ”.

Do đó, nếu thấy mức độ xử lý chưa tương ứng thì theo quy định, UBKT T.Ư hoàn toàn có thể rút hồ sơ lên để xét lại việc kỷ luật.

Đơn cử như trường hợp của ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trước đây chỉ bị thi hành kỷ luật ở mức cảnh cáo khiến dư luận không đồng tình. Vì thế, tại kỳ họp thứ 39 vừa diễn ra, UBKT T.Ư đã xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Văn Sử.

Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Sử đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục, gây bức xúc trong xã hội, để nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự.

Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT T.Ư đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Văn Sử.

Theo ông Sửu, việc UBKT T.Ư xem xét lại án kỷ luật đối với ông Sử cho thấy mức cảnh cáo có thể là chưa phù hợp với vi phạm, khuyết điểm của cán bộ này.

“Với việc UBKT T.Ư đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật cho thấy, mức án kỷ luật đối với ông Sử nhiều khả năng sẽ cao hơn mức cảnh cáo mà địa phương đã đưa ra”, ông Sử nói.

VĂN KIÊN/Soha News

Bài mới
Đọc nhiều