Vụ Gateway: Khởi tố cùng tội danh, vì sao bà Quy bị tạm giam còn ông Phiến thì không?
Vì sao bị cơ quan tố tụng khởi tố cùng một tội danh “Vô ý làm chết người” cùng trong vụ án bé trai 6 tuổi là học sinh trường Gateway tử vong nhưng bà Nguyễn Bích Quy (người đưa đón học sinh) bị bắt tạm giam còn ông Doãn Quý Phiến (tài xế lái xe đưa đón) lại được tại ngoại?
Vì sao ông Doãn Quý Phiến lại được tại ngoại trong khi bà Nguyễn Thị Bích Quy lại bị tạm giam ?
Ngày 3/9, Viện Kiểm sát Nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với ông Doãn Quý Phiến (nhân viên hợp đồng Công ty TNHH vận tải Ngân Hà).
Ông Phiến là tài xế đưa đón học sinh trường Gateway và người liên quan trong vụ án học sinh lớp 1 tử vong trên xe. Ông Phiến bị khởi tố hành vi “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự, được cho tại ngoại.
Câu hỏi được đặt ra là, vì sao cùng một tội danh nhưng bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón học sinh bị bắt tạm giam còn ông Doãn Quý Phiến lại được tại ngoại?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Lê Thùy Linh (Công ty Luật Hiệp Thành, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) điểm lại các tình tiết liên quan và phân tích: Dựa trên kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cái chết của cháu bé bị sốc nhiệt, suy hô hấp, không có nguyên nhân bệnh lý. Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã khởi tố và bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy – là người đưa đón các cháu học sinh với tội danh “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về “Tạm giam” có quy định như sau:
“Điều 119. Tạm giam
1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
3. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
b) Tiếp tục phạm tội;
c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
5. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh, quyết định tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.
6. Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết”.
Như vậy, theo điểm đ, khoản 2 Điều 119 trên, Cơ quan điều tra bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy vì lý do bị can phạm tội nghiêm trọng nhưng có dấu hiệu của việc cung cấp tài liệu sai sự thật, gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra.
Với khía cạnh đang được quan tâm đó là: Cùng bị khởi tố với tội danh “Vô ý làm chết người” nhưng bà Nguyễn Bích Quy bị bắt tạm giam, còn tài xế Doãn Quý Phiến được áp dụng hình thức cho tại ngoại, luật sư Lê Thùy Linh lý giải: Cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can khi có dấu hiệu làm cản trở hoạt động điều tra. “Với trường hợp của bà Quy, bà Quy đã có dấu hiệu của việc cung cấp tài liệu sai sự thật, gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, do đó bà Quy bị bắt tạm giam”, luật sư Linh nhấn mạnh lại nội dung đã phân tích ở trên.
“Đối với việc ông Phiến bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại, luật sư Thùy Linh phân tích: Tại ngoại là việc người bị khởi tố không bị tạm giam nên mặc dù chưa được pháp luật quy định cụ thể nhưng điều kiện để được tại ngoại có thể hiểu là điều kiện để không bị tạm giam. Điều kiện về “Tạm giam” được quy định tại Điều 119 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 như đã trình bày ở trên.
Như vậy, đối với trường hợp của ông Phiến, khi mức độ phạm tội chưa đến mức phải tạm giam như quy định tại Điều 119 nêu trên và việc cho người này tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể xét cho họ được tại ngoại”, luật sư Linh nhấn mạnh.
N.Huyền