+
Aa
-
like
comment

Vụ Ethanol Phú Thọ: “Ông Đinh La Thăng là chủ mưu, cần nghiêm trị!”

13/03/2021 10:44

Phiên xét xử sơ thẩm vụ Ethanol Phú Thọ hiện đang ở giai đoạn nghị án. Tòa dự kiến sẽ tuyên án vào chiều ngày 15/3. Theo quan điểm của Viện Kiểm sát, trong vụ án, ông Đinh La Thăng có vai trò chính, cần xử phạt nghiêm, tương xứng.

Vụ Ethanol Phú Thọ là vụ án được xác định xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Trong vụ án này, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng bị truy tố tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cựu Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh bị truy tố các tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 224 Bộ luật Hình sự và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Vụ án này ngoài ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh thì còn có 10 bị cáo khác cũng bị truy tố ra trước Tòa án nhân dân TP.Hà Nội để xét xử.

Theo Viện Kiểm sát, trong vụ Ethanol Phú Thọ, cựu Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng giữ vai trò chính. (Ảnh: TTXVN)

Trình bày bản luận tội, các vị đại diện Viện Kiểm sát tại tòa cho biết, đủ cơ sở xác định, năm 2007, 3 đơn vị có vốn của PVN thành lập PVB để làm chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ, cho mời thầu xây dựng nhà máy bằng hình thức “chìa khóa trao tay”.

Lúc này, PVC thành lập Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T đấu thầu xây dựng dự án nhưng không đủ khả năng nên bị từ chối.

Khi Liên danh bị từ chối, Trịnh Xuân Thanh liên tục đề nghị giảm yêu cầu với nhà thầu, sau đó xin cho PVC được nhận thầu theo hình thức chỉ định.

Trong vụ án, cựu Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng bị cáo buộc cũng tác động để Liên danh của PVC được chỉ định thầu trái pháp luật.

Dưới sự chỉ đạo của các bị cáo, Liên danh trên của PVC sau đó được thi công dự án, nhưng đến năm 2013 phải dừng lại vì không đủ năng lực, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.

Theo cơ quan công tố, Trịnh Xuân Thanh còn bàn bạc với Đỗ Văn Hồng – Chủ tịch PVC Kinh Bắc để mua bất động sản. Cụ thể, năm 2009, PVC góp 2,5 tỷ đồng để thành lập PVC Kinh Bắc và ký hợp đồng số 173 cho PVC Kinh Bắc thi công một số hạng mục tại nhà máy Xơ sợi Đình Vũ với giá trị hơn 132 tỷ đồng.

Với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, người này ngoài hành vi vi phạm ở dự án Ethanol Phú Thọ thì còn bị cáo buộc thâu tóm 3.400m2 đất ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Quá trình này, Trịnh Xuân Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) việc tìm mua đất xây dựng khu nghỉ dưỡng.

Đỗ Văn Hồng giới thiệu khu đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang được rao bán với giá 23,8 tỷ đồng. Trịnh Xuân Thanh đồng ý, sau đó dùng chức vụ của mình để PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng nhằm có tiền mua đất dù việc này trái hợp đồng.

Đến năm 2010, các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Văn Hồng bàn bạc việc tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ lên 150 tỷ đồng, thông qua đây để hợp thức hóa 25 tỷ đồng tiền mua đất Tam Đảo.

Theo Viện Kiểm sát, Trịnh Xuân Thanh lập Công ty Mai Phương, nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên.

Thanh dùng doanh nghiệp này mua lại khu đất 3.400m2 trên của PVC Kinh Bắc với giá đúng 23,8 tỷ đồng nhưng nợ lại 3 tỷ đồng, đến nay chưa thanh toán.

Năm 2016, Công ty Mai Phương cùng khu đất được vợ Trịnh Xuân Thanh bán cho người khác với giá 45 tỷ đồng. Đến năm 2019, phần vốn góp của PVC tại PVC Kinh Bắc chỉ có giá hơn 7,7 tỷ đồng, tức PVC bị lỗ hơn 13,2 tỷ đồng.

Nêu quan điểm về vụ án, vị đại diện VKSND TP.Hà Nội nhận định, các bị cáo trong vụ án là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, được nhà nước và nhân dân tin tưởng giao nguồn lực quốc gia nhưng vi phạm quy định, khiến dự án dừng hoạt động trong khi hàng nghìn tỷ đồng có thể làm nhiều việc có ích.

Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội nhận định, các bị cáo trong vụ án đã vi phạm khiến dự án Ethanol Phú Thọ phải ngừng hoạt động, trong khi hàng nghìn tỷ đồng có thể làm các việc có ích. (Ảnh: TTXVN)

Hành vi của các bị cáo xâm phạm quyền quản lý kinh tế của nhà nước, gây mất niềm tin của nhân dân vào nhà nước…

Hậu quả hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng cho PVB, đây là thiệt hại thực tế do lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực. Số tiền này là tiền lãi mà PVB phải trả.

Bị cáo Đinh La Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học với vai trò người đứng đầu, biết Liên danh của PVC không đủ năng lực nhưng vẫn đề ra chủ trương giao PVC thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ.

“Trong vụ án, ông Thăng có vai trò chính, vừa đề ra chủ trương lại chỉ đạo cấp dưới thực hiện nên cần có mức hình phạt nghiêm, tương xứng” – Viện Kiểm sát nêu quan điểm.

Với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, ông này là Chủ tịch HĐQT PVC, cũng biết rõ Liên danh không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu tại Ethanol nhưng vẫn thực hiện chủ trương của bị cáo Đinh La Thăng, ban hành nghị quyết đồng ý thực hiện dự án với giá hơn 59 triệu đô trong 18 tháng, dù trước đó đã đưa ra mức giá 85 triệu đô trong 25 tháng.

“Trong việc này, ông Thanh đồng phạm tích cực, phạm tội lệ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên” – vị đại diện Viện Kiểm sát nói.

Liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh thâu tóm 3.400m2 đất tại Tam Đảo, kiểm sát viên xác định Trịnh Xuân Thanh đã cố tình vi phạm các quy định trong luật doanh nghiệp để chuyển tiền cho PVC Kinh Bắc, gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho PVC. “Trong việc này, bị cáo Thanh có vai trò chính, chủ mưu” – Viện Kiểm sát nhận định.

Ngoài những cá nhân trên, các bị cáo khác trong vụ án đã loại bỏ một số tiêu chí để Liên danh nhà thầu của PVC có khả năng trúng thầu, việc này vi phạm các quy định về pháp luật xây dựng, đấu thầu…

Bài mới
Đọc nhiều