Vụ đảo chính ở Niger tác động đến thế giới như thế nào?
Cuộc đảo chính ở Niger khiến châu Âu lo ngại về tình hình tại quốc gia Tây Phi, vốn được coi là điển hình của sự ổn định những năm qua.
Điều gì đang xảy ra ở Niger?
Ngày 26-7, quân đội Niger đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum, người được cho là đã bị bắt giữ từ 19-7.
Hai ngày sau đó, Tướng Abdourahamane Tchiani dẫn đầu cuộc đảo chính tuyên bố lên nắm quyền trong sự phản ứng mạnh mẽ của châu Âu và Nhóm Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS).
ECOWAS đã ra tối hậu thư cho quân đội Niger trao trả quyền lực trong vòng 1 tuần.
Niger, vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, chịu hàng loạt trừng phạt vì cuộc đảo chính. Tiếp đó, ngày 2-8, các lãnh đạo quân sự ECOWAS họp bàn về cách đối phó với cuộc khủng hoảng.
Ngày 2-8, chuyến bay đầu tiên chở công dân Pháp và một số nước châu Âu đã hạ cánh ở Paris, trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối Pháp và phương Tây bùng lên sau cuộc đảo chính.
Đây là lần đầu tiên Paris phải tổ chức đợt di tản lớn tại quốc gia thuộc địa cũ. Tuy nhiên Pháp cho biết sẽ không rút 1.500 quân đang đóng ở đây, theo Hãng tin AFP.
Trước đó Pháp đã bác bỏ cáo buộc của chính quyền quân sự Niger rằng Paris tính can thiệp quân sự nhằm khôi phục chính quyền Tổng thống Bazoum.
Chính quyền quân sự Mali và Burkina Faso, vốn ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger, đã cảnh báo sẽ tham chiến nếu nước láng giềng bị can thiệp quân sự.
Một nhân vật khác ủng hộ cuộc đảo chính là ông trùm Yevgeny Prigozhi của nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, gọi đây là chiến thắng trước thực dân.
Vì sao Niger quan trọng?
Về mặt chính trị, Niger được coi là một điển hình về sự ổn định dân chủ ở Tây Phi trong những năm gần đây. Về mặt chiến lược, nhiều căn cứ quân sự của Pháp, Mỹ đặt tại đây. Niger cũng là đối tác quan trọng của phương Tây nhằm đối phó với các phiến quân Hồi giáo như IS hoặc al-Qaeda.
Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả Niger là “quan trọng như một trụ cột cho sự ổn định ở Sahel (khu vực kéo dài Đại Tây Dương đến Biển Đỏ)” và là “đối tác chống khủng bố đáng tin cậy” khi kiềm chế các nhóm Hồi giáo khác nhau có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo hoặc al-Qaeda.
Về mặt kinh tế, Niger rất giàu uranium, sản xuất 7% tổng nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, người dân Niger có mức sống thấp bậc nhất trên thế giới.
Bất ổn thôi thúc đảo chính ở Niger?
Sự bất ổn và suy giảm kinh tế khiến tình hình ở Niger trở nên mong manh. Bất chấp sự hỗ trợ của các lực lượng nước ngoài, các cuộc tấn công của phiến quân vẫn giết chết hàng ngàn người tại Niger trong một thập kỷ qua.
Theo giới quan sát, nhiều người ở Niger tin rằng quân đội với sự hỗ trợ của Nga và Wagner sẽ giúp đối phó với phiến quân hiệu quả hơn.
Dù Nhà Trắng đã nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga liên quan đến cuộc đảo chính ở Niger, sự xuất hiện của cờ Nga trong các cuộc biểu tình được coi như biểu tượng của khuynh hướng chống phương Tây đang nổi lên ở nước này.
Nhà nghiên cứu Florence Boyer, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Pháp, giải thích thêm rằng giới trẻ của Niger gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, do tham nhũng và nhiều vấn đề xã hội đó.
“Sự thất vọng này quy về nước Pháp, vì Paris ủng hộ chính quyền ông Bazoum” – bà Boyer nhận định.
Tương lai của Niger
Cuộc đảo chính ở Niger sẽ ảnh hưởng lớn đến nước này và cả khu vực Sahel. Giới phân tích cho rằng Niger sẽ theo chân Mali và Burkina Faso giúp tăng sự ảnh hưởng của Nga tại khu vực.
Tuy nhiên nếu ECOWAS can thiệp quân sự có thể kích động bạo lực giữa các nhóm ủng hộ và phản đối cuộc đảo chính.
Trong khi đó các nhóm phiến quân sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc quân đội bị suy yếu do cuộc đảo chính.
“Các chiến binh thánh chiến ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger vì khiến họ mạnh hơn” – Boubacar Moussa, thành viên lực lượng chống khủng bố tại Niger, nói.
“Niger phải tiếp tục là một quốc gia dân chủ. Niger là quốc gia quan trọng đối với an ninh của toàn châu Phi và cả thế giới”, Thủ tướng Ouhoumoudou Mahamadou, hiện đã chạy sang Pháp, nói với Hãng tin AP khi kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp khôi phục chính quyền ông Bazoum.
Bảo Trâm