Vụ công ty Nhật Bản hối lộ 5 tỷ để trốn thuế và quan điểm dứt khoát của Thủ tướng
Vừa qua, một số hãng thông tấn, báo chí lớn của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nickei… đồng loạt đưa tin hãng sản xuất nhựa Tenma – trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản đã “đầu thú” với Tòa án Tokyo rằng một công ty con của hãng tại Việt Nam đã hối lộ cán bộ nhà nước với tổng số tiền 25 triệu yên (5,4 tỷ đồng) để được miễn giảm những khoản truy thu thuế. Ngay sau khi xuất hiện thông tin “đi đêm” nhận hối lộ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ vụ việc.
Gần như ngay lập tức Bộ Tài chính phát đi công văn chỉ đạo Tổng Cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Thanh tra Bộ khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin vụ hối lộ liên quan đến công ty Tenma Việt Nam. Đồng thời tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với các cán bộ, công chức của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh có liên quan đến nghi vấn hối lộ này. Chưa hết, Bộ Công an cũng đã đưa vụ việc vào tầm ngắm để điều tra, khi mới đây bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay “Việt Nam đã trao đổi với Nhật Bản về nghi vấn công ty Tenma hối lộ quan chức thuế, hải quan Bắc Ninh để được miễn truy thu thuế”. Động thái này nhằm thể hiện trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam, nhìn thẳng vấn đề, xử lý kiên quyết, triệt để với những nhũng nhiễu của các cán bộ biến chất, tiêu cực, đem lại môi trường kinh doanh minh bạch, trong sạch.
Việc cán bộ thuế, hải quan Bắc Ninh có nhận “lót tay” của doanh nghiệp Nhật Bản hay không thì sau khi Bộ Công an điều tra, xác minh, đúng sai thế nào chỉ thời gian ngắn sẽ sáng tỏ. Nhưng chắc chắn một điều rằng nếu có tiêu cực, khuất tất thì “phải xử nghiêm, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và chống thất thu thuế” như lời chỉ đạo của Thủ tướng.
Lâu nay, Chính phủ luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cơ chế, chính sách ưu đãi, trăm phương khổ tứ suy nghĩ cách thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào đất nước để phát triển. Vậy nên những móc ngoặt, bôi trơn, chung chi để đôi bên cùng có lợi, mặc kệ ngân sách thất thu, mặc kệ lợi ích quốc gia, tiền của nhân dân cứ thế rơi rụng là không thể chấp nhận được. Chính những cán bộ vòi vĩnh, thỏa thuận “đi đêm” có lợi cho đối tác sẽ làm cho doanh nghiệp “nhờn luật” vì cho rằng họ có thể “đàm phán” bằng tiền. Nghiêm trọng hơn nữa đó là ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh minh bạch, trong sạch, kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra và thời kỳ hậu dịch bệnh covid – 19 khiến một số doanh nghiệp có ý định chuyển sang Việt Nam, Thủ tướng cũng đã lập ban cố vấn để đón cầu cơ hội này.
Vụ việc nghi vấn công ty Tenma Nhật Bản hối lộ một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo sự xuống dốc về mặt đạo đức của một số cán bộ, công chức thuế và hải quan – hai lĩnh vực liên quan tới túi tiền của doanh nghiệp. Thêm nữa, vụ việc này cũng cho thấy, đang có những kẻ hở trong công tác thanh, kiểm tra của ngành thuế và hải quan. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động công vụ của các cán bộ, công chức của hai ngành này đang có vấn đề. Muốn Việt Nam phát triển thì không còn cáh nào khác là chúng ta phải hết sức minh bạch, trừng trị thẳng tay những con sâu mọt làm thất thoát ngân sách nhà nước. Vậy nên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng phải tự xem xét lại trách nhiệm quản lý của mình, không những thế cần rà soát lại một cách nghiêm túc việc kiểm tra thuế của các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ phát hiện ra những doanh nghiệp kinh doanh thiếu đạo đức, minh bạch, cố tình đút lót hòng gian lận, né thuế, đổi lấy lợi ích, khiến ngân sách nhà nước thâm hụt sẽ bị xử lý theo phạm luật.
Quay trở lại vụ việc cán bộ thuế, hải quan Bắc Ninh có nhận 5,4 tỷ đồng tiền hối lộ hay không? Câu hỏi sẽ được Bộ Công an trả lời trong thời gian tới, bằng những hành động cụ thể của lực lượng chức năng để lấy lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp, lấy lại hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam trước quốc tế.
Thế Khoa