+
Aa
-
like
comment

Vụ “cô dâu bị tố lừa 17 tỷ đồng” – vở hài kịch mới chỉ mở màn

Phạm Khoa - 16/09/2022 14:50

Với câu chuyện tưởng chừng chỉ có ở trong phim, N.T.V.A. là cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trong những ngày giữa tháng 9 này. 

Theo đó, ngày 13/9, mạng xã hội xôn xao với bài đăng tố cáo cô gái tên N.T.V.A. (sinh năm 1995, quê Bắc Giang) là “siêu lừa đảo” với nhiều chiêu trò, kịch bản không tưởng  để lừa tình, lừa tiền của hàng loạt nạn nhân. Con số 17 tỉ đồng và hàng chục nạn nhân cần được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhưng sự việc này còn phơi bày một thực trạng khác…

Bài đăng của chị N.L. tố bị A. lừa 17 tỷ đồng.

Câu chuyện dùng vẻ ngoài hào nhoáng, tạo dựng lý lịch “khủng” đánh vào lòng tham, để lừa đảo nhiều người không còn quá xa lạ. Nhìn lại các năm về trước, hầu như năm nào cũng có vài vụ. Tuy nhiên, mức độ trẻ hóa và các thủ đoạn lừa đảo càng lúc càng tinh vi, “muôn hình vạn trạng” đã đến mức báo động.

Nếu lời tố cáo của những người có liên quan trong vụ việc là sự thật, thì có thể thấy một thực tế khá nguy hiểm. Đó là việc mạng xã hội đang là môi trường thuận lợi cổ xúy rất nhiều cho các đối tượng gây hại cho xã hội, cho họ phương tiện để “ám thị số đông”, sau đó là lừa đảo trục lợi.

Với những người dùng mạng xã hội, chúng ta không ai xa lạ với hàng hà sa số các hình ảnh hào nhoáng, khoe nhà, khoe xe, khoe cuộc sống “sang chảnh” của đủ các tài khoản cá nhân. Chính những hình ảnh này đã khiến không ít người bị ám thị về sự giàu có “không cần lý do” mỗi ngày. Nhiều người chỉ cần nhìn hình ảnh ăn mặc đồ hiệu, đi xe sang, đã vội vàng mặc định N.T.V.A. là người giàu có.

Lộ thêm ảnh cưới trong rừng, mỗi một người chồng là một concept khác nhau.

Lòng tham và sự ngộ nhận của đám đông chính là bệ đỡ đầu tiên để nuôi dưỡng tham vọng bất chính của N.T.V.A. và nhiều kẻ bất lương khác. Bên cạnh đó, sự suy đồi đạo đức của một bộ phận người trẻ cũng là một việc đáng báo động. Họ không xem trọng luật pháp hay luân lý, mà chỉ cần mình thấy được là được. Lấy N.T.V.A. làm ví dụ, ngay sau khi bị chị dâu cũ và bạn trai tố cáo, người này vẫn livestream thanh minh cho rằng “bản thân không làm sai, không lừa đảo, chỉ là do xuất phát điểm không tốt, nên muốn sống một cuộc sống khác, bằng cách thay tên đổi họ, thử cảm giác sống theo cách mình mong muốn“.

Dưới góc nhìn về trật tự xã hội, chúng ta cũng thấy được những nguy hiểm tiềm tàng, khi có dấu hiệu của việc làm giả từ chứng từ ngân hàng, giấy tờ nhà…, đến đóng giả cả công chứng viên, cả bố mẹ cô dâu và mấy trăm khách mời nhà gái. Một phụ nữ xấu nết, dù thủ đoạn đến mấy cũng không thể một mình vừa biên kịch, vừa làm đạo diễn, lại kiêm luôn cả diễn viên chính, trong một thời gian dài như thế. Nên cần làm rõ sự móc nối, câu kết của một nhóm người tiếp tay cho hành vi sai trái của N.T.V.A.

Còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng lúc này. Dư luận đang chờ đợi một cuộc điều tra, phân minh của cơ quan chức năng để qua đó trắng đen sẽ rõ ràng, để những người quan sát câu chuyện có cái mà tự răn mình.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều