+
Aa
-
like
comment

Vụ chuyến bay giải cứu: Dao sắc đã “gọt” cả đuôi

Công Luân - 12/07/2023 12:13

Sáng ngày 11/7, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu trợ lý Phó Thủ tướng Nguyễn Quang Linh cùng 52 đồng phạm khác được cảnh sát dẫn giải đến phiên tòa vụ án “chuyến bay giải cứu”. Thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận và cả những người muốn “tát nước theo mưa”.

Hình ảnh phiên tòa xét xử

Từ một chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước, thông qua quá trình hoạt động công vụ của các bị can, những “nhóm lợi ích” đã được hình thành. Những cái “bắt tay” giữa quan chức và doanh nghiệp, giữa quan chức với quan chức đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Trong vụ án này, những người phạm tội đã sai lầm nghiêm trọng cả về tình và lý. Về tình, các bị can đã trục lợi trên tính mạng, sức khỏe của đồng bào. Về lý, họ đã coi thường, thách thức pháp luật. Không một lý do nào có thể bao biện cho những hành vi phạm tội đã được thực hiện.

Chính vì thế mà, mặc dù trong quá trình điều tra có rất nhiều bị cáo đã đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp lại một phần hoặc toàn bộ số tiền nhận hối lộ, môi giới hối lộ… nhưng vẫn có tới 18 người bị truy tố ở khung tử hình. Trong đó có cả những quan chức cấp cao như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân…

Bỏ qua tinh thần ấy, lợi dụng số lượng bị can nhiều (54 bị can đã bị đề nghị truy tố và 1 bị can đang truy nã), nhân thân các bị can đặc biệt (có người nguyên là trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, có người là thứ trưởng, có người là cục trưởng…) và số tiền đưa hối lộ “khủng” (hơn 140 tỷ đồng), các đối tượng chống phá vẫn quy chụp cho rằng, “phiên tòa của quan tham lắm tiền”, “có người nhận tội thay cho quan to”.

Cùng với đó, chúng cũng phủ nhận sạch trơn những kết quả mà Việt Nam đã đạt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Gieo những nhận thức lệch lạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Nhà nước; Kích động sự hoài nghi, gây mất đoàn kết dân tộc. Các đối tượng xấu đã quy chụp cho rằng, “Chuyến bay giải cứu” cho rằng đây là “phiên tòa của quan tham lắm tiền”, “có người nhận tội thay cho quan to”…

Nếu ai theo dõi lĩnh vực nội chính, nhất là việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng sẽ dễ dàng thấy được đây là một trong những vụ án mang tính kinh điển. Cơ quan điều tra đã làm rõ hàng loạt hành vi phạm tội, từ đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cho đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, trong số các bị can bị đề nghị truy tố, có người nguyên là điều tra viên chính thụ lý vụ án. Nói cách khác, “dao sắc” đã “gọt cả chuôi”. Việc xử lý tham nhũng đã diễn ra ngay trong chính cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu, đã có những ý kiến xuyên tạc nói rằng đây là “đánh nội bộ” thì bị bác bỏ hoàn toàn, vì vừa qua “đánh đâu trúng đấy, xử anh nào cũng tâm phục khẩu phục” và điều này ngày càng thể hiện rõ. Sự phối hợp giữa các cơ quan bài bản, nhịp nhàng đã giúp khởi tố thêm nhiều vụ án, vụ việc. Điều này không những không làm nhụt chí mà còn củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cũng chính là động lực thúc đẩy tiến lên, nội bộ ngày càng đoàn kết hơn.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều