Vụ chìm tàu ngầm của Indonesia: Đâu là nguyên nhân?
Hải quân Indonesia ngày 24/4 cho biết nguyên nhân khiến tàu ngầm KRI Nanggala bị chìm làm toàn bộ 53 thủy thủ thiệt mạng vẫn chưa rõ ràng. Trước đó, giới chức hải quân Indonesia cho rằng sự cố về điện khiến tàu ngầm này không thể thực hiện các thao tác khẩn cấp để nổi lên mắt nước.
Hiện chiến dịch cứu hộ đã được chuyển sang hoạt động trục vớt, sau khi các mảnh vỡ của chiếc tàu ngầm mất tích được tìm thấy.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Bali, Tham mưu trưởng Lực lượng hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono cho rằng nếu xảy ra một vụ nổ, con tàu sẽ bị phá thành nhiều mảnh và có thể nghe thấy sóng siêu âm.
Đô đốc Yudo Margono cho biết lực lượng cứu hộ đã tìm thấy các mảnh vỡ từ tàu ngầm, bao gồm các bộ phận của máy nắn thẳng ngư lôi (torpedo straightener), các vật dụng bên trong con tàu. Điều này cho thấy một vụ tai nạn thảm khốc.
Đô đốc Yudo Margono khẳng định rằng các vật phẩm này sẽ không thể ra ngoài tàu ngầm nếu không có áp lực từ bên ngoài hoặc không xảy ra hư hỏng đối với bệ phóng ngư lôi.
Tuy nhiên, ông loại trừ khả năng xảy ra một vụ nổ và cho rằng nhiều khả năng chiếc tàu ngầm đã bị bung ra dưới áp lực nước ở độ sâu lên tới 850m, trong khi con tàu chỉ có thể hoạt động tối đa ở độ sâu 500m.
Theo Đô đốc Yudo Margono, độ sâu này khiến công tác cứu hộ và trục vớt rất khó thực hiện, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Cảnh sát quốc gia, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia (Basarnas) và các nước khác, Quân đội Indonesia sẽ tiếp tục tìm cách trục vớt con tàu.
Theo Đô đốc Margono, các đội tìm kiếm của Indonesia và các nước hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể thủy thủ nào.
Thanh Bình