+
Aa
-
like
comment

Vụ chi 200 tỷ đồng lắp camera: ‘Doanh nghiệp cũng không dám chi “đậm” thế’

25/10/2019 09:34

Theo một người trong ngành, loại camera cao cấp nhất hiện nay mà thị trường Việt Nam đang bán có giá gần 100 triệu đồng/camera.

Một giám đốc Công ty lắp đặt camera có trụ sở ở tỉnh Vĩnh Long cho báo Đất Việt biết thông tin trên vào ngày 24/10 xung quanh xôn xao vụ Vĩnh Long chi 200 tỷ đồng lắp 114 camera giám sát.

“Nếu 124,5 triệu đồng/camera thì sẽ bao gồm cả chi phí lắp đặt, xây dựng chứ không tính riêng tiền mua camera. Với loại camera cao cấp như thế có thể nhận diện được khuôn mặt hay biển số xe và đầy đủ các tính năng khác mà camera thường không làm được. Bất kể loại camera nào cũng có kết nối với máy chủ, chứ không riêng gì loại camera cao cấp.

Bởi vậy, theo tính toán của tôi, nếu lắp 114 camera với chi phí mất hơn 10 tỷ đồng là hợp lý. Nếu chi phí hơn 200 tỷ đồng thì tôi nghĩ chắc chỉ có chi tiền ngân sách mới làm được thế, còn các doanh nghiệp không ai chi như vậy.

Kể cả doanh nghiệp làm ăn lớn, cần lắp hệ thống camera hiện đại nhất cũng không bao giờ họ chi gần 200 tỷ đồng cho 114 camera như vậy”, Giám đốc một công ty lắp đặt camera trên cho biết.

Nói về dự án này của tỉnh Vĩnh Long, cùng ngày, trao đổi với PV, ông Phạm Đình Cường, chuyên gia về tài sản công, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho  rằng, Vĩnh Long cần rút kinh nghiệm của Sóc Trăng bởi việc mua sắm tài sản công là phải theo tiêu chuẩn định mức.

“Nếu trong trường hợp tỉnh Vĩnh Long được mua sắm thì phải căn cứ vào tiêu chuẩn định mức, mua cái gì, mua bằng cách nào. Việc mua sắm này có trong dự toán đầu năm hay không, bên cạnh đó, nếu có trong dự toán đầu năm thì phải xây dựng trên cơ sở định mức nào, ví dụ lắp cho ai, lắp ở đâu”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, mọi việc mua sắm từ ngân sách nhà nước đều phải có trong dự toán và phải trình Hội đồng nhân dân tỉnh.

gia-tung-cai-camera-khien-vinh-long-chi-gan-200-ty-lap-dat
Camera giám sát được lắp đặt trên 1 tuyến đường ở Vĩnh Long.

Trước đó, ngày 17/10,  HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, họp kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường) đã thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ.

Theo đó, sẽ đầu tư lắp 114 camera ở 79 vị trí. Trong đó lắp 67 camera giám sát an ninh trật tự ở 63 vị trí, 47 camera xử lý vi phạm giao thông đường bộ ở 16 vị trí và lập 3 trung tâm quản lý điều hành đặt tại Công an tỉnh, Phòng CSGT và Công an TP Vĩnh Long.

Tổng kinh phí thực hiện hơn 199,1 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác. Tiến độ thực hiện dự án trong giai đoạn 2019 – 2023.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở KH-ĐT khẳng định, dự án lắp camera được thẩm tra, phê duyệt là rất cần thiết cho tỉnh trong công tác giám sát, xử lý tình hình vi phạm an ninh trật tự và an toàn giao thông trong thời gian tới.

Cũng theo Sở KH-ĐT, kinh phí tốn kém nhất là hệ thống 47 thiết bị giám sát tự động, chiếm hết 94 tỉ đồng. Kinh phí xây dựng hết 16,3 tỉ đồng, còn lại 67 camera giám sát an ninh trật tự chiếm 16,3 tỉ đồng.

“Có 2 loại camera trong dự án này. 4 cái giá mỗi cái 56,4 triệu đồng, 63 cái giá mỗi cái 124,5 triệu đồng. Còn lại trung tâm điều hành tại Công an tỉnh 33,6 tỉ đồng, trung tâm điều hành tại Phòng cảnh sát giao thông là 3,3 tỉ đồng”, ông Phúc nói.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 22/10, ông Nguyễn Bách Khoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, nhấn mạnh: “Các ngành chức năng cần làm rõ tính hiệu quả và tính cấp thiết cũng như số lượng camera và số tiền phải cụ thể từng giai đoạn, từng danh mục.

Các ngành chức năng chưa làm rõ cho xã hội, người dân hiểu rằng, một cái camera 125 triệu đồng thì 114 cái cũng hơn 10 tỉ đồng. Đặc biệt cần nói rõ, trung tâm quản lý điều hành lắp đặt cái gì, hiện đại như thế nào, hạ tầng của đường truyền ra sao?”.

Còn nhớ, trước đó, ngày 24/4, Ban thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng có quyết định số 1542 về việc cấp kinh phí lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của lãnh đạo Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Theo quyết định này, kinh phí lắp camera được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng với dự toán gần 982 triệu đồng. Tuy nhiên, quyết định chi tiền tỉ lắp camera tại nhà riêng cho các ủy viên Ban thường vụ đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Đến ngày 30/9, Ban thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã hủy bỏ quyết định số 1542 và thu hồi 883 triệu đồng đã chi để lắp đặt camera nhà riêng cho 12 ủy viên Ban thường vụ.

Chiều ngày 7/10, ông Lý RoTha – phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, hiện 12 ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã hoàn trả ngân sách tiền lắp camera.

Thu Hoài/Đất Việt

Bài mới
Đọc nhiều