Vụ cháy Rạng Đông: Phải có ai chịu trách nhiệm chứ?
Vụ cháy Rạng Đông đến lúc này đã tương đối rõ ràng về sự nguy hại của phát tán thuỷ ngân cháy. Nguyên tắc cơ bản của một vụ cháy thông thường là đã có phát sinh khí độc. Thì với cháy thuỷ ngân hay lưu huỳnh thì độc chất càng kinh khủng hơn. Đã có ít nhất 82 trường hợp nhiễm độc thuỷ ngân mà đến giờ vẫn không khởi tố vụ án thì thật sự là bóp méo công lý.

Hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm còn bỏ ngỏ như:
Tại sao Rạng Đông (và một loạt nhà máy khác) thuộc khu Cao- Xà- Lá một thời của Hà Nội vẫn nằm trong khu dân cư đông đúc? Việc chậm trễ di dời để đến nỗi cháy hoá chất có phải là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay không?
Hình thức đối phó bằng cách giấu giếm sự thật của lãnh đạo công ty Rạng Đông chưa bàn. Chỉ riêng việc không đảm bảo an toàn cháy nổ để gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và của lẫn các hậu quả lâu dài tại sao đến giờ vẫn chưa thấy ai chịu trách nhiệm?
Phường Hạ Đình ra khuyến cáo ngay sau khi xảy ra vụ cháy là đúng. Quận Thanh Xuân tuyên bố thu hồi khuyến cáo ấy và nhất là bịa chuyện kiểm định an toàn có thể khởi tố tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng hay không? Có cán bộ phường từ chối khẩu trang chống độc phát miễn phí cho dân để hạn chế hậu quả vì phải “chờ kết luận nhà nước” có thể khởi tố tội vô ý gây hậu quả nghiêm trọng hay không? Đúng một tuần sau vụ cháy thì UBNd Tp.Hà Nội mới lên tiếng thì trâch nhiệm về sự chậm trễ ấy phải có ai chịu chứ? Trong thời gian đó phát sinh thêm các trường hợp nhiễm độc là khả năng có thể xảy ra.
Tôi vẫn nhắc lại cảnh báo rằng vụ cháy Rạng Đông xứng đáng gọi là thảm hoạ quốc gia và hậu quả của nó sẽ còn kéo dài rất lâu, rất đau đớn. Càng thiếu minh bạch bao nhiêu thì thuyết âm mưu về việc nhanh chóng thâu tóm khu đất vàng ấy càng có chỗ cho tin đồn sinh sôi, hạ thấp tôn nghiêm cơ quan công quyền bấy nhiêu.
Phải có ai chịu trách nhiệm chứ? Không có ai chịu trách nhiệm thì không có ai vô can cả!
(Theo Mai Quốc Ấn)