Vụ cháy nhà ra mặt chuột: Rạng Đông ngoan cố lừa dối đến phút cuối rồi xin lỗi
Khoan chưa bàn ai chịu trách nhiệm, cũng chưa nói vội đến sự vô tâm, vô trách nhiệm của lãnh đạo quận Thanh Xuân trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông vừa qua mà hãy nói về sự lừa dối khách hàng của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Rạng Đông đã từng tuyên bố sản phẩm của họ không dùng thủy ngân mà dùng mà 100% dùng Amalgam, đồng thời đánh bóng thêm cho chiến dịch quảng cáo sản phẩm tốt của mình rằng: “Hiện tại, các loại bóng đèn như bóng đèn compact, huỳnh quang thì 100% sử dụng viên amalgam. Trừ các loại bóng rẻ, hàng nhái, kém chất lượng nhập từ trung quốc hoặc nơi nào đó thì vẫn sử dụng thủy ngân dạng lỏng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người nếu bóng bị vỡ”. Lời tuyên bố tự tin tưởng chừng có thể đánh lừa được người tiêu dùng vĩnh viễn, nào ngờ vụ cháy nhà máy đột ngột vừa qua đã vạch trần sự dối trá của doanh nghiệp này.
Thứ nhất, ngay sau đám cháy, trước những lo ngại rò rỉ thủy ngân, tác động đến sức khỏe con người và môi trường, đại diện của doanh nghiệp đã nhanh nhảu báo cáo với lãnh đạo quận Thanh Xuân “kho hóa chất chưa bị cháy, số lượng viên amalgan nằm trong kho khoảng 4,5 triệu, thủy ngân lỏng khoảng 34,3 kg”. Có gì đó sai sai ở đây? Nếu công ty Rạng Đông không sử dụng thủy ngân để sản xuất bóng đèn phích nước thì tại sao lại lưu kho số lượng lớn như vậy rồi không đánh đã tự khai là chưa bị cháy. Nếu như Rạng Đông vẫn còn sử dụng thuỷ ngân thì đây không chỉ là vụ cháy gây ô nhiễm môi trường mà còn là một vụ gian lận thương mại nghiêm trọng, lừa dối người tiêu dùng trong nhiều năm qua.
Thứ hai, việc công ty Rạng Đông sử dụng viên amalgam thay thế thủy ngân lỏng, liệu có tốt như quảng cáo? Trong khi thành phần chủ yếu của amalgam cũng là thủy ngân, chiếm từ 50-70%. Sử dụng amalgam thay thế sẽ giúp các sản phẩm của Rạng Đông điềm nhiên dán nhãn “thân thiện môi trường” nhưng thực chất nó có xứng đáng? Nếu như thủy ngân gây ra các nguy cơ ảnh hưởng đến não, thận, đường tiêu hoá, hô hấp, thần kinh, giảm khả năng phòng bệnh, khả năng miễn dịch của trẻ em, việc sinh đẻ của phụ nữ, nguy cơ vô sinh… thì dùng amalgam khi cháy khí của nó cũng tác động ghê gớm đến sức khỏe của con người.
Theo Thông tư 58/2015 của liên bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ y tế thì amalgam cũng được coi là một chất thải y tế nguy hại cần phải xử lý và tiêu hủy theo quy định để đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe.
Trên cả nước hiện này có cả hàng triệu gia đình sử dụng bóng đèn, phích nước của Rạng Đông. Đơn cử như các gia đình có bà đẻ nằm viện, ngày ngày người thân xách ra xách vào không biết bao nhiêu bình nước sôi để lau người cho em bé, ngâm bình sữa và dụng cụ ăn uống của bé. Các bà, các mẹ, các chị cứ đinh ninh mình đang sử dụng sản phẩm chất lượng đã từng đạt bằng khen này, huân chương nọ nhưng ai ngờ đó là sự lừa đảo trắng trợn. Nhìn Rạng Đông mà chợt nhớ đến vụ xả thải của nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan Đồng Nai, nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh. Tất cả đều vì lợi nhuận mà không từ việc hủy hoại đi sức khỏe của người dân và môi trường sống. Ở góc độ gian lận thương mại thì còn có vụ Khải Silk bán lụa Trung Quốc gán mác “made in Việt Nam” và gần đây nhất là nghi án Asanzo dùng nguyên liệu Trung Quốc dán nhãn hàng Việt Nam Chất lượng cao.
Vấn đề của Rạng Đông không dừng lại ở việc gian lận thương mại, lừa dối người dân mà còn là sự lấp liếm, vô cảm và vô trách nhiệm. Kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết phải đấu tranh với lãnh đạo Rạng Đông nhiều lần, công ty mới thừa nhận thừa nhận 480.000 bóng đèn bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng thuỷ ngân lỏng. Cuối cùng, doanh nghiệp này đã thừa nhận sự dối trá của mình. Sự ngoan cố đến vô cảm, đẩy người dân quanh khu vực này vào rủi ro rất lớn về sức khoẻ. Nếu như họ có trách nhiệm, thừa nhận sớm thì cơ quan chức năng đã quyết liệt hơn trong việc sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm. 10 ngày sau đám cháy, Rạng Đông mới xin lỗi, mới thừa nhận thì đã có hơn 82 người nhiễm độc thủy ngân.
Có những chi tiết chỉ kể lại thôi cũng đã thấy phẫn nộ. Hàng chục chiến sỹ PCCC, phóng viên tác nghiệp không được cảnh báo nguy cơ ngộ độc hoá chất để được phòng hộ an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chỉ một ngày sau vụ cháy, tất cả cán bộ công nhân viên tham gia chữa cháy đã đến công ty thu dọn và chuẩn bị cho sản xuất. Ngày tiếp theo các xưởng sản xuất của công ty đã bắt đầu hoạt động bình thường. Sự vô cảm đi kèm hành động vội vã, phi khoa học, coi thường sức khoẻ, tính mạng con người của Rạng Đông là có thật.
Đã vậy, phản ứng của các cơ quan chức năng khác cũng thể hiện sự chậm chễ, thụ động. Gần 2 ngày sau khi sự cố cháy nổ nghiêm trọng xảy ra thì cơ quan chức năng mới tiến hành quan trắc môi trường và đến ngày 31/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khoẻ. Trong khi Phó Chủ tịch phường Hạ Đình đã ra khuyến cáo người dân không nên dùng thực phẩm trong vòng bán kính 1 km từ rất sớm nhưng lại bị chị Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân yêu cầu rút khuyến cáo và vội vã kiểm điểm. Điều này không chỉ phản ánh việc lãnh đạo làm việc tắc trách mà còn cho thấy có sự lập lờ, lấp liếm ở đây.
Đến giờ này, Rạng Đông ngoài lời xin lỗi thành phố, quận huyện và có nhắc chữ “nhân dân” cho có lệ, lãnh đạo quận Thanh Xuân và TP. Hà Nội hứa hẹn giúp đỡ những gia đình, cá nhân bị nhiễm độc thủy ngân thì cũng chưa thấy động thái nào đền bù thiệt hại vật chất, sức khoẻ cho người dân hay mạnh tay truy cứu trách nhiệm với doanh nghiệp sai phạm. Chẳng biết những “con lươn, con trạch” ấy còn lẩn tránh, dối trá đến bao giờ nữa?
Đặng Trường