+
Aa
-
like
comment

Vụ cháy Công ty Rạng Đông gây nguy cơ nhiễm độc như thế nào?

30/08/2019 11:52

“Khi bóng đèn bị cháy, phần nhựa polyme có thể tách thành các phân tử monome (một loại chất độc hại), đồng thời thủy ngân, bột huỳnh quang bị nung trong nhiệt độ cao sẽ thành thể hơi, hòa vào không khí” – PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết. UBND phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) đã ra văn bản thông báo người dân vệ sinh môi trường, đồng thời khuyến nghị người dân không sử dụng thực phẩm nuôi trồng, nguồn nước… trong bán kính 1km tính từ vụ hoả hoạn tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông xảy ra tối 28/8.

Ngoài ra, phường này cũng khuyến cáo người dân cần tiêu hủy các loại rau, trái cây tự trồng trong vòng bán kính 500m. Nếu có trồng tiếp tục nên thay đổi đất, dung dịch thủy canh mới, để đảm bảo không bị ô nhiễm với các loại cây cảnh cũng tiến hành phun rửa nhiều lần bằng nước sạch để trôi bụi do cháy.

Vụ cháy Công ty Rạng Đông gây nguy cơ nhiễm độc như thế nào? - 1
UBND phường Hạ Đình khuyến nghị người dân không sử dụng thực phẩm nuôi trồng, nguồn nước… trong bán kính 1km từ vụ hoả hoạn tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông xảy ra tối 28/8.

Liên quan đến nội dung trên, PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá việc phường Hạ Đình cảnh báo như vậy là phù hợp.

Theo PGS Trần Hồng Côn, cấu tạo của bóng đèn compact, đèn huỳnh quang bên ngoài là vỏ thủy tinh, nhựa, bên trong có hơi thủy ngân tạo ra tia cực tím chiếu vào vỏ huỳnh quang. Khi bóng bị cháy, phần nhựa polyme có thể tách thành các phân tử monome (một loại chất độc hại), đồng thời thủy ngân, bột huỳnh quang bị nung trong nhiệt độ cao sẽ thành thể hơi, hòa vào không khí.

PGS Trần Hồng Côn phân tích tiếp, tất cả các loại chất này phát tán với nồng độ cao sẽ gây hại sức khỏe con người với các triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở… Trong đó, thủy ngân là kim loại nặng độc hại, tích lũy dần trong cơ thể và khó đào thải. Nồng độ thủy ngân trong cơ thể tăng cao có thể gây thiếu máu cùng hàng loạt biến chứng nguy hiểm khác.

Từ phân tích trên, PGS Trần Hồng Côn đề nghị cơ quan chức năng sớm lấy mẫu để đánh giá lượng thủy ngân tồn đọng trên mặt đất, lá cây, nguồn nước mặt trong khu vực. Bởi, một vài bóng đèn compact, huỳnh quang vỡ cháy không gây ảnh hưởng nhưng hàng vạn bóng đèn cùng vỡ sẽ gây tác động lớn.

Cũng giống như PGS.TS Trần Hồng Côn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đánh giá, việc UBND phường Hạ Đình ra thông báo như vậy là “rất có trách nhiệm”.

“Thực phẩm như rau trồng ở sân vườn, nóc nhà có thể sẽ bị bụi từ vụ cháy rơi vào thì mang rửa sạch nhiều lần vẫn an toàn. Thực phẩm nếu để trong tủ lạnh người dân mang vẫn ra ăn được bình thường. Còn môi trường không khí là có nguy cơ nhiễm độc. Vì nhà máy Rạng Đông chủ yếu sản xuất bóng đèn và phích nước, do đó có chứa rất nhiều hóa chất và kim loại như chì, lưu huỳnh, thủy ngân…. Khi lửa cháy có thể khiến các hóa chất và kim loại này bị bốc hơi bay vào trong không khí” – PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng “trấn an” dư luận, do chiều qua (29/8), tại Hà Nội và khu vực công ty Rạng Đông xuất hiện mưa lớn nên môi trường đã sạch hơn. Gió thổi mạnh làm phát tán “cường độ khí độc”, nên khí độc trong không khí tại khu vực đó đã được làm loãng.

“Ngành y tế cần xuống thăm hỏi người dân khu vực này, hoặc người dân khu vực này cảm thấy sức khỏe có gì bất thường sau vụ cháy thì cũng cần chủ động đến cơ sơ y tế để thăm khám” – PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.

Trước đó, như đã đưa tin, chiều tối 28/8, ngọn lửa bất ngờ bùng cháy dữ dội tại khu nhà xưởng của Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội). Sau khi nhận được thông tin, lực lượng PCCC của Hà Nội và quận Thanh Xuân đã đến hiện trường để triển khai dập lửa. Tuy nhiên, do diện tích cháy lớn, bên trong nhà xưởng có nhiều đồ vật dễ cháy nên công tác chữa cháy gặp khó khăn, kéo dài nhiều giờ đồng hồ.

Nguyễn Dương/Dân Trí

Bài mới
Đọc nhiều