+
Aa
-
like
comment

Vụ cây phượng đổ đè chết học sinh: Còn đó nỗi lo…

Quỳnh Quỳnh - 28/05/2020 08:19

Cây bàng, cây phượng vốn là những loại cây “kinh điển” trong thơ ca nhạc họa, là biểu tượng của tuổi học trò. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta phải xem lại việc trồng phượng vĩ, nếu đem so với sự an toàn của con trẻ.

Những trường học lâu đời ở TPHCM có nhiều cây xanh to lớn cần có chế độ chăm sóc, theo dõi nghiêm ngặt.

Qua hình ảnh hiện trường vụ cây phượng bật gốc gây tai nạn thương tâm ở trường THCS Bạch Đằng, tiến sĩ Đinh Quang Diệp, chuyên gia về lĩnh vực cây xanh đô thị nhận định nguyên nhân là do rễ cây quá ít lại già cỗi.

Cả thành phố lặng mình trong buổi sáng…

Bất cứ ai, trong buổi sáng đó, cũng không giấu nổi sự bàng hoàng, đau xót. Khóc vì thương đứa bé chỉ mới vừa ăn lót dạ, cái háo hức, vui vẻ đầu ngày bỗng đổ ập.

Bất cứ ai, trong buổi sáng này, cũng không giấu nổi sự bàng hoàng, đau xót.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Vạn Phúc đã nhận trách nhiệm về mình, chắc hẳn, trong ông, nỗi đau xót còn lớn hơn. Ông và các thầy cô giáo trường Bạch Đằng hẳn từ đây, sẽ mang theo một ký ức buồn nơi một góc sân trường.

Những bậc làm cha làm mẹ không tránh khỏi nỗi lo sợ, hoang mang khi bỗng đâu đó, một tàng cây cũng có thể rớt xuống nơi con mình đang đứng. Bởi bất trắc, tai ương bất ngờ ập xuống, dù che chắn, phòng bị mọi nẻo thì vẫn còn lẩn khuất một hiểm họa khôn lường.

Thành phố này, cũng như bao nơi khác vừa bước qua cơn đại dịch. Niềm vui trở lại trường cũng là nỗi lo để đảm bảo an toàn sau một mùa giãn cách xáo trộn. Những cơn mưa trút nước về chiều và đêm, sáng ra, mọi con đường có cây xanh vẫn bình yên. Để rồi, giữa buổi sáng tưởng yên bình ấy, cả thành phố bàng hoàng, tức tưởi. Những người lớn – đứng đầu của hệ thống chính trị thành phố đều lặng lẽ đến thăm viếng đứa trẻ vắn số, như ông bà thăm cháu con mình. Họ không cầm được nước mắt, quá đau xót.

Đừng để cây trong sân trường trở thành tai họa

Trên các diễn đàn nông nghiệp, nhiều tác giả cũng nhấn mạnh tính chất giòn của cành phượng. Giả sử không bị bật gốc, thì rất dễ gãy, gây tai nạn cho người qua lại bên dưới. Hiện có không ít ý kiến cho rằng việc quản lý cây cối trong sân trường thuộc về nhà trường, vốn là những người không giỏi về kỹ thuật chăm sóc và bảo quản cây cối, nên khi cây phượng vĩ ở trường Bạch Đằng đè chết người, thì đó là lỗi bất khả kháng.

Hiện trường xảy ra vụ việc xảy ra tại sân Trường THCS Bạch Đằng

Ngay trong sáng qua, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo âu sau vụ cây phượng bật gốc khiến HS tử vong. Tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, phụ huynh có con học tại trường này lo lắng: “Trường con tôi có 2 cây phượng rất lớn và nhiều cây sa kê. Sau vụ tai nạn sáng nay, tôi lo lắng quá, không biết làm sao”.

Chị Phạm Thanh Thảo, phụ huynh HS học tại Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, cho biết: “Trường học của con tôi không có nhiều cây lớn, chỉ có một số cây nhỏ. Nhưng sáng nay, các thầy cô cũng nhắc nhở các con trời mưa không nên đứng dưới những khu vực có cây, dù ở trường học hay ở các nơi khác”, chị Thảo nói.

Minh Huy, 16 tuổi, HS lớp 10 Trường THPT Nguyễn Khuyến, Hà Đông cho biết khi nghe tin có HS bị tử vong vì cây đè trong trường thì rất lo sợ vì em rất hay cùng bạn bè ngồi ghế đá dưới tán cây to để vui đùa mỗi khi ra chơi.

Trong khi đó, chị Hoa, 40 tuổi, phụ huynh HS Trường THCS Cách Mạng Tháng 8, cho biết đi học vào mùa mưa có nhiều nguy hiểm. Không chỉ lo cây xanh trong trường mà còn lo nguy hiểm khác trên đường nếu đưa rước con em mình đúng ngay thời điểm mưa to, gió lớn.

Đã quá muộn, nhưng khẩn cầu các trường kết hợp với cơ quan chuyên môn cấp tốc rà soát lại hết cây cối trong các sân trường và có các biện pháp hiệu quả. Chống, trụ, giặm gốc hay thay thế các loại cây trồng không an toàn, thậm chí phải hi sinh toàn bộ bóng mát khi trời đang cao điểm nắng nóng, cũng phải tính. Đừng để mỗi đứa trẻ phải khiếp sợ, ám ảnh cái chết của bạn, dưới bóng phượng vĩ.

Để đảm bảo an toàn khi trời mưa, các em học sinh nên di chuyển vào lớp, không xuống dưới sân, hay đứng dưới các gốc gây. Khi trời mưa gió, sân trường rất dễ trơn trượt cần phải tránh chạy giỡn.

Trong giờ ra chơi, không nên tụ tập dưới sân trường mà chỉ nên sinh hoạt ở trong lớp, tránh xa các gốc gây, cột điện có nguy cơ bật đổ, tránh đứng dưới đường dây điện.

Lúc ra về khi gặp mưa to, gió lớn các em nên đứng trong khu vực an toàn của trường để đợi phụ huynh đến đón, không tự động ra về hay ra khỏi trường.

Quỳnh Quỳnh

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả) 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều