+
Aa
-
like
comment

Vụ “bỏ bom” 150 mâm cỗ: Chưa có tội danh cho hành vi “bom hàng”?

04/10/2020 15:13

Theo luật sư, nếu đúng Út đã chiếm đoạt của chủ nhà hàng T.P. 7 mâm cơm (trị giá 7 triệu đồng), 156kg gà, 40kg giò… thì Út sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ “bỏ bom” 150 mâm cỗ: Chưa có tội danh cho hành vi “bom hàng”? - 1
Câu chuyện lừa đảo của Cà Thị Út còn nhiều chi tiết khó hiểu, cần làm rõ.

Những ngày vừa qua, sự việc cô gái có tên Cà Thị Út (SN 1996, ở xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) “bùng” tiền gà, giò… và còn “bỏ bom” 150 mâm cỗ cưới, gây thiệt hại lớn cho một nhà hàng ở phường Mường Thanh, đang gây xôn xao dư luận.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh – cho rằng, trong trường hợp Cà Thị Út “bỏ bom” 150 mâm cỗ cưới, rất khó để buộc đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự.

“Theo quan điểm của tôi, hiện nay pháp luật hình sự chưa điều chỉnh hành vi “bom hàng”, hay nói cách khác là đặt sử dụng hàng hóa, dịch vụ rồi sau đó không sử dụng nữa và không trả tiền bồi thường, bồi hoàn cho người nhận đặt. Trên thực tế trong một vài năm trở lại đây tình trạng “bom hàng” đã xảy ra khá nhiều nhưng vẫn chưa có trường hợp nào phải chịu tội.

Đối với vụ việc đặt 150 mâm cỗ tại Điện Biên nhưng không lấy, mặc dù thiệt hại xảy ra cho chủ nhà hàng là rất lớn nhưng Bộ luật Hình sự lại không có tội danh nào tương ứng để xử lý đối tượng “bỏ bom”. Có một số tội danh liên quan đến xâm phạm sở hữu, nhưng trong tình huống này Út không có hành vi chiếm đoạt tài sản, hoặc tài sản cũng không bị hư hỏng… nên không thể xử lý Cà Thị Út.

Vụ “bỏ bom” 150 mâm cỗ: Chưa có tội danh cho hành vi “bom hàng”? - 2
Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, vài năm trở lại đây đã có nhiều trường hợp “bỏ bom” hàng hóa nhưng chưa trường hợp nào bị xử lý hình sự.

Tôi nghĩ đây là điểm chưa lường trước được của các nhà làm luật. Mặc dù Bộ luật Hình sự có tội “Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” quy định người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự, nhưng trong vụ việc xảy ra ở Điện Biên, Cà Thị Út có hành vi cố ý gây thiệt hại đến tài sản của nhà hàng T.P. lại thoát tội.

Có thể Cà Thị Út sẽ bị xử lý hình sự về một hành vi khác, nhưng riêng đối với việc Út “bỏ bom” 150 mâm cỗ, tôi vẫn cho rằng không thể buộc đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, Út sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự đối với những thiệt hại đã gây ra cho nhà hàng”, luật sư Thanh phân tích.

Còn theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), căn cứ vào lời khai của đối tượng, chủ nhà hàng và báo chí đưa tin cho thấy, đối tượng đã có hành vi gian dối ngay từ ban đầu với anh Vũ Thế L. (chủ nhà hàng T.P.) là mình đang công tác tại một cơ quan nhà nước trên địa bàn và gian dối trong việc mình làm đám cưới để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Út đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của anh L. 2 lần bao gồm: Lần 1: Khoảng tháng 8/2020, đối tượng đặt anh L. làm 7 mâm cơm (trị giá 7 triệu đồng). Anh L. đã chuyển giao đầy đủ cho đối tượng đến địa chỉ cung cấp.

Lần 2: Vào ngày 22/9/2020, Út gọi điện thoại cho anh L. yêu cầu cung cấp 156kg gà sống, 40kg giò, 180 hộp mía (trị giá gần 23 triệu đồng) để tổ chức báo hỷ tại nhà gái gái; đồng thời đặt anh L. dựng phông, rạp và 150 mâm cỗ cưới tại nhà hàng của anh. Anh L. đã chuyển đủ số thực phẩm 156kg gà, 40kg giò, 180 hộp mía cho Út và ngày 30/9 cũng đã chuẩn bị đầy đủ 150 mâm cỗ cưới theo yêu cầu.

Vụ “bỏ bom” 150 mâm cỗ: Chưa có tội danh cho hành vi “bom hàng”? - 3
Nhà hàng T.P. – nơi bị “kẹt” 150 mâm cỗ. (Ảnh: Kim Anh).

Xét hành vi của đối tượng có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của anh Vũ Thế L., đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật hình sự. Tội phạm hoàn thành được xác định từ lúc đối tượng phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản, hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho đối tượng phạm tội.

“Trong vụ việc này, thực tế là đối tượng đã chiếm đoạt được của chủ nhà hàng 7 mâm cơm (trị giá 7 triệu đồng) và 156kg gà, 40kg giò, 180 hộp mía. Do đó, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tương ứng với giá trị tài sản được quy đổi bằng tiền làm căn cứ xử lý theo định khung theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự”, luật sư Thơm nêu quan điểm.

Cũng theo luật sư Thơm, đối với hành vi đặt 150 mâm cỗ cưới nhưng chưa lấy, khó có thể quy kết là trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt theo quy định tại các Điều 14, 15 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, Điều 14 Chuẩn bị phạm tội không quy định trong trường hợp phạm tội “Lừa đảo chiếm đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối với Điều 15 Phạm tội chưa đạt là trường hợp cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Trần Thanh/DT

Bài mới
Đọc nhiều