Vụ bé trai ở Đồng Tháp: Lực bất tòng tâm
Chục ngày đã trôi qua kể từ khi em H.N10 tuổi rơi xuống trụ bê tông rỗng sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen. Dù thông tin em tử vong đã được những người có trách nhiệm xác nhận, nhưng việc chưa đưa được em lên để lo hậu sự vẫn đang tạo ra những luồng thông tin tiêu cực làm hoang mang dư luận.
Trước hết, cần phải xác định rõ đây là một tai nạn ngoài dự liệu. Ngay cả chủ đầu tư, hay đơn vị thi công, cũng không thể ngờ rằng có người lọt xuống cọc với đường kính chỉ 25cm.
Khi chuyện xảy ra, đã có người lớn chạy đến cứu, nhưng do không phải tai nạn thông thường nên bất thành, phải gọi cho lực lượng chức năng địa phương. 30 phút sau cuộc gọi, cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp đã có mặt tại hiện trường, và liên tục túc trực đến tận hôm nay.
Gần 200 tiếng đồng hồ, với sự tập trung toàn bộ các nỗ lực để cứu người, tại sao vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn?
Có 3 nguyên nhân quan trọng để nhìn nhận chính xác sự việc này, đó là: địa chất khu vực xảy ra tai nạn không thuận lợi cho việc cứu hộ; không xác định được tình trạng của nạn nhân, còn sống hay đã chết để đưa ra phương án cứu hộ chính xác; phương tiện máy móc là phương tiện cơ giới nặng, không thể đưa đến hiện trường nhanh chóng.
Đầu tiên, xét đến yếu tố địa chất; theo một số công nhân trực tiếp đóng trụ bê-tông mố cầu, thì khu vực thi công công trình cầu Rọc Sen có tầng đất sét rất cứng từ độ sâu 10m trở xuống, cọc lại đóng sâu 35m nên việc rút cọc lên mà không dùng thêm các biện pháp kỹ thuật can thiệp đặc biệt đến nền đất là không khả thi.
Trong 4 ngày đầu, lực lượng cứu hộ luôn hành động theo tôn chỉ cứu người, vì nghĩ theo hướng bé H.N còn sống, nên các phương án cứu hộ cực kỳ thận trọng. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiến độ công việc không đẩy nhanh được.
Khi xác định bé đã tử vong, công tác cứu hộ diễn ra khẩn trương hơn, nhưng lại thiếu phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Thậm chí, khi các chuyên gia Nhật Bản đề xuất phương án cứu hộ khả thi, máy móc thiết bị phục vụ cho phương án trên lại khá cồng kềnh, khó huy động nhanh chóng, nhất là khu vực xảy ra tai nạn lại nằm sâu trong đồng ruộng.
Từ các yếu tố bất lợi trên, có thể thấy việc bé H.N tử vong là một việc vô cùng đau xót, nhưng không thể vì vậy mà tùy tiện đổ lỗi cho các đơn vị cứu hộ. Có những vụ việc, dù không muốn, chúng ta vẫn buộc phải chấp nhận. Chỉ hy vọng, sau chuyện của H.N, sẽ không còn tai nạn tương tự nào xảy ra nữa.
Phòng ngừa sự cố, bao giờ cũng tốt hơn rất nhiều so với giải quyết sự cố. Mong rằng, từ giờ trở đi, mọi công trình thi công, càng ở khu vực hẻo lánh, lại càng cần các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không để bất cứ ai không phận sự được bước vào. Và bản thân mỗi người đều phải được giáo dục đầy đủ về những nguy hiểm ở các khu vực công trường.
Phạm Khoa