Vụ bé gái 3 tuổi bị đóng 9 cây đinh vào đầu: Lại đổ lỗi, chửi bới kiểu Chí Phèo
Vụ bé gái 3 tuổi bị hành hạ đóng đinh vào đầu là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện hành vi tàn ác, mất hết tính người. Cả xã hội phẫn nộ, lên án kẻ thủ ác, còn Phạm Minh Vũ và đồng bọn, như mọi khi, lại tranh thủ lên án, đổ lỗi cho chính quyền.
Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận cả nước bàng hoàng rúng động vì nhiều vụ án mạng dã man liên quan đến bạo hành trẻ em. Một bé gái 8 tuổi bị mẹ kế đánh đập dẫn đến thiệt mạng. Một bé gái khác 6 tuổi sống với cả cha lẫn mẹ, bị cha đánh đập vì bực tức lúc dạy học ở nhà dẫn đến tử vong. Và mới đây nhất là vụ bé gái 3 tuổi bị nhân tình của mẹ bạo hành dã man bằng cách đóng 9 chiếc đinh vào đầu dẫn đến hôn mê thập tử nhất sinh. Không một ai có thể tưởng tượng nổi có những người lớn có thể làm ra tội ác rùng rợn với những đứa trẻ ngây thơ, vô tội như vậy.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an), điểm chung trong đặc điểm tâm lý thủ phạm là sự thoái hóa về nhân cách với các đặc điểm lệch lạc. Như tính ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, lối sống vị kỷ, hưởng thụ, thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp xã hội, coi thường các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật. Những người bố và mẹ của những đứa trẻ nạn nhân cũng có tội đồng lõa với thủ phạm, vì lý do nào đó mà họ thờ ơ với con mình. Và hơn hết là sự thờ ơ của những người xung quanh, khi mà những em bé đó vốn đã bị hành hạ trong một thời gian rất dài trước khi thiệt mạng.
Những kẻ phạm tội và tội ác tồn tại ở bất kỳ xã hội nào, kể cả những xã hội văn minh với những điều luật được cho là chặt chẽ nhất thế giới. Ví dụ theo thống kê thì năm 2019 ở Mỹ cũng có 1809 trẻ em tử vong vì các tội ác liên quan đến bạo hành. Nhiều vụ việc bạo hành liên quan đến trẻ em khác cũng diễn ra ở mọi nơi trên thế giới. Đôi khi vì quá đau xót, người ta có thể trách móc chính quyền ở đâu, luật pháp ở đâu mà lại để điều đó diễn ra, rồi đặt câu hỏi phải chăng luật pháp chưa đủ nghiêm minh để răn đe. Nhưng thực tế dù tòa án và luật pháp có tuyên bao nhiêu án tử hình đi nữa, thì những tội danh đáng bị tử hình như giết người, buôn ma túy, tham nhũng…vẫn xuất hiện. Dù những kẻ gây tội ác cuối cùng luôn phải đứng trước vành móng ngựa để đền tội, thì sau đó vẫn có nhiều kẻ khác tiếp bước.
Đứng trước thực tế khách quan đó, người ta cần ít hơn những lời chỉ trích, và cần nhiều hơn sự chung tay của cả cộng đồng. Chuyên gia Đào Trung Hiếu kêu gọi mọi người cần quan tâm hơn đến trẻ em, nâng cao ý thức công dân để kịp thời báo cho các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn sớm những vụ việc tương tự xảy ra. Bên cạnh đó cần khôi phục truyền thông văn hóa gia đình để mỗi đứa trẻ có điểm tựa vững vàng hơn. Nhưng đó không phải là ý kiến của Phạm Minh Vũ, một đối tượng chống phá khét tiếng với nhiều lập luận bịa đặt, xuyên tạc về tình hình quê hương, đất nước.
Trong bài viết mới, Vũ trách các hội bảo vệ trẻ em không làm gì khi các cháu bé bị tra tấn, trách Quốc hội không ra điều luật đủ mạnh để răn đe, trách các nhà giáo dục quên giáo dục nhân cách con người để sinh ra những kẻ phạm pháp. Dường như say sưa trách móc là cách Vũ tỏ ra mình đang làm việc tốt, mình biết quan tâm thông cảm và không đồng lõa với cái xấu. Cao trào của sự xuyên tạc là Vũ cho rằng vì hai nghi phạm chính trong 2 vụ án bạo hành có bố mẹ là công chức Nhà nước, nên có lý do để cho rằng “cái ác được dung dưỡng”.
Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Liệu có bậc cha mẹ nào dạy con làm điều tàn ác để rồi cuối cùng chắc chắn sẽ phải đối mặt với những bản án tù nghiêm khắc, thậm chí tử hình? Liệu có Nhà nước hay luật pháp nào dung dưỡng cái ác để làm loạn xã hội. Quả là khi một kẻ quen bịa đặt, chống phá đất nước như Vũ bỗng nhiên muốn tỏ ra thương cảm, muốn làm người tốt thì lý lẽ cũng chỉ đến vậy. Bài viết đáng ra phải nói về về bé gái đáng thương nhưng dường như chỉ là nơi bộc lộ những bức xúc của riêng cá nhân Vũ. Vô lý và ngược ngạo, chửi đời và chửi người, hệt như nhân vật Chí Phèo trong câu chuyện nổi tiếng của nhà văn Nam Cao.
Hiện nay, tất cả nghi phạm trong những vụ án gây rúng động dư luận đều đã bị bắt tạm giam, chờ ngày đem ra xét xử. Mọi người đã thêm nhiều bài học về việc cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, và hi vọng sẽ bớt đi nhiều câu chuyện đau lòng trong tương lai. Nhưng tội phạm sẽ không bao giờ biến mất, và đó là thực tế của cuộc sống. Cũng tương tự như câu chuyện của chính Phạm Minh Vũ, từng bị xử phạt 18 tháng tù giam về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước, nhưng rồi ra tù Vũ còn chống phá điên cuồng hơn. Luật pháp có thể răn đe, nhưng thật khó ngăn cản ai đó có dã tâm phạm tội.
An Diễm