Vụ bé 8 tuổi bị hành hạ: Vì sao chỉ bị đề bị khởi tố tội danh kịch khung 3 năm tù?
Liên quan đến vụ Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh đập bé gái 8 tuổi dẫn đến tử vong, nhiều ý kiến cho rằng khởi tố Trang hành vi ‘hành hạ người khác’ là chưa tương xứng.
Khởi tố hành vi hành hạ người khác là có cơ sở
Trung tá Lê Xuân Hòa – đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM), ngày 23-12 cho biết, cơ quan điều tra đã ra quyết định bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về hành vi “hành hạ người khác”.
Tại cơ quan điều tra, Trang khai trong quá trình dạy học, do bực tức việc cháu N.T.V.A. (8 tuổi, con riêng của bạn trai) chậm hiểu bài nên đã la mắng và dùng cây gỗ đánh, dùng chân đá. Trang còn khai trước đó cũng nhiều lần dùng roi mây đánh và la mắng cháu A. trong lúc dạy học.
Đến ngày 28-12, trên cơ sở điều tra, bước đầu xác định Trang có dấu hiệu phạm tội “hành hạ người khác” nên cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Trang để điều tra về hành vi này theo điều 140 BLHS hiện hành.
Trao đổi với PV, luật sư Lê Trung Phát – Đoàn luật sư TP.HCM – cho rằng hành vi “hành hạ người khác” mà cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố là có cơ sở bởi nạn nhân được xác định sống chung với bị can và khi cháu bé tử vong, ghi nhận có nhiều thương tích nghiêm trọng. Hơn nữa, bước đầu bị can đã thừa nhận hành vi đánh đập nạn nhân.
“Việc xác định tội danh của bị can có đúng là bạo hành hay không, hay là cố ý gây thương tích hoặc thậm chí tội giết người còn tùy thuộc vào diễn biến trong quá trình điều tra, tùy thuộc vào các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra sẽ làm rõ.
Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định rõ hành vi mà bị can tác động lên cháu bé có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của cháu bé hay không thì mới xác định được chính xác là bạo hành hay một tội danh khác”, luật sư Phát giải thích.
Theo luật sư Phát, trong quá trình điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể thay đổi quyết định khởi tố ban đầu để điều tra theo một tội danh khác. Thậm chí đến khi vụ án được đưa ra xét xử, tòa án cũng có thể yêu cầu điều tra lại nếu xét thấy tội danh truy tố chưa phù hợp.
Sẽ kiến nghị khẩn cấp đề nghị xem xét thay đổi tội danh
Bên cạnh đó, ngay sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh “Hành hạ người khác”, nhiều luật sư bày tỏ không đồng tình.
Theo LS Lê Ngọc Luân (Công ty Luật GOLD KEY, hỗ trợ pháp lý cho gia đình bé V.A.) cho biết, qua thông tin, chứng cứ nắm được và báo chí đưa tin thì hành vi của Trang có dấu hiệu của tội “Giết người”, chứ không phải tội “Hành hạ người khác”. “Vụ án này nếu chỉ khởi tố một mình bà Trang là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”, LS Luân nói.
Theo LS Luân, sáng 29/12, đơn tố cáo chính thức đã được gửi đi và GOLD KEY sẽ kiến nghị khẩn cấp đề nghị xem xét thay đổi tội danh cũng như không bỏ lọt tội phạm.
“Chi tiết thế nào sẽ thông tin sau để đảm bảo tối đa quyền lợi cho gia đình. Hiện mẹ cháu đang bị chấn động tâm lý, hoảng loạn và đau đớn. Bác ruột như người mất hồn dù cố gắng mạnh mẽ, nói chuyện với tôi mà nước mắt cứ chảy”, LS Luân cho biết.
LS Luân tin rằng pháp luật không bỏ lọt ai và hy vọng việc khởi tố ban đầu tội “Hành hạ người khác” chỉ là biện pháp tạm thời cấp tốc, cơ quan điều tra và VKS quận Bình Thạnh cũng như Công an TP.HCM sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ sự thật, xử đúng người, đúng tội.
Cùng quan điểm, LS Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho rằng, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 với trường hợp này có thể là bước đầu để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.
“Trong quá trình điều tra, rất có thể cơ quan điều tra sẽ thay đổi tội danh sang tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người. Với tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt chỉ đến 3 năm tù, bởi hành vi hành hạ người khác chỉ có thể gây ra ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tổn thương cơ thể, chứ không phải là đánh đập gây thương tích hoặc gây thiệt mạng nạn nhân.
Trường hợp đối tượng đánh vào những vùng hiểm yếu hoặc sử dụng hung khí nguy hiểm gây ra thương tích nghiêm trọng dẫn đến nạn nhân tử vong thì phải xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Giết người” mới phù hợp với quy định của pháp luật”, LS Cường nói.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người bố của cháu bé biết bị can thực hiện hành vi đánh đập con, nhưng vẫn thể hiện thái độ đồng tình bằng cách xúi giục hoặc giúp sức, bỏ mặc sự việc diễn ra thì người này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
“Vụ án này sẽ là bài học cho những kẻ vô cảm, độc ác, thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc bảo vệ trẻ em. Dư luận xã hội lên án mạnh mẽ đối với những đối tượng hành hạ trẻ em, những người biết về hành vi hành hạ trẻ, nhưng không can thiệp kịp thời. Đồng thời, pháp luật sẽ có những chế tài phù hợp đối với từng hành vi vi phạm pháp luật trong việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em”, LS Cường nêu ý kiến phân tích.
Nguyễn Anh