Vụ Asanzo thay xuất xứ Trung Quốc thành hàng Việt: Bộ Công thương lên tiếng
Trả lời PV, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra hoạt động của Công ty Asanzo theo chỉ đạo Thủ tướng.
Chiều 4-7, Bộ Công thương đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ. PV đã đặt câu hỏi: Quan điểm của Bộ Công thương liên quan đến loạt bài điều tra lật tẩy Asanzo, khi doanh nghiệp này có hành vi thay đổi, bóc nhãn mác “Made in China” và gắn mác “Made in Vietnam”?
Có phải do những quy định về gắn nhãn mác hàng Việt hiện nay chưa có khiến cho doanh nghiệp lợi dụng để gắn nhãn mác, xuất xứ là hàng Việt? Đồng thời đề nghị Bộ Công thương cho biết thông tin liên quan đến việc bộ đang soạn thảo quy định về ghi nhãn mác hàng Việt Nam.
Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải cho biết Công ty Asanzo nhập khẩu cụm linh kiện tại Trung Quốc có xuất xứ Trung Quốc, lắp lại thành sản phẩm và gắn nhãn mác, xuất xứ Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành, trong đó có Bộ Công thương kiểm tra xử lý và báo cáo Chính phủ.
Hiện nay Bộ Công thương đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra các vấn đề liên quan để sớm làm rõ và báo cáo Thủ tướng.
Đối với các quy định liên quan đến ghi nhãn mác xuất xứ hàng hóa, ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết: với các mặt hàng hoá lưu thông trong nước, Nghị định 43/2017 của Chính phủ có nêu các quy định nhãn hàng hoá và yêu cầu bắt buộc là sản phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam, bất kể sản xuất hay nhập khẩu đều phải gắn nhãn như tên người sản xuất, tổ chức cá nhân sản xuất hàng hoá.
Trong đó có điều 15 quy định: các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thực hiện lưu thông hàng hoá sẽ tự xác nhận thông tin để lưu thông hàng hoá đó.
Hiện Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, nên để hưởng ưu đãi thuế các doanh nghiệp sẽ phải xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Song ông Hải khẳng định việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ không nói lên tỉ lệ sản xuất ở Việt Nam mà là tỉ lệ cả khu vực.
Cũng theo ông Hải, trước tình hình chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ về hàng hoá Việt Nam và xuất xứ tại Việt Nam, nên Bộ Công thương đã xây dựng dự thảo nghị định hàng hoá sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và hàng hoá của Việt Nam. Hiện thông tư mới ở giai đoạn đầu, khi có dự thảo sẽ công bố trên website của bộ để lấy ý kiến người dân.
Cấp phép ồ ạt dự án điện tái tạo, Bộ Công thương gỡ khó về lưới điện
Liên quan đến câu hỏi về việc ồ ạt cấp phép các dự án điện mặt trời, điện gió gây quá tải lưới điện, khiến các doanh nghiệp phải giảm tải công suất, ông Bùi Quốc Hùng, phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, cho biết: Sau khi Thủ tướng ban hành quyết định 11/2017 về cơ chế ưu đãi phát triển điện mặt trời ở Việt Nam với mức 9,35 cent/kWh, các địa phương có tiềm năng năng lượng mặt trời có đầu tư rất lớn.
Nhiều tỉnh đã đề nghị bổ sung quy hoạch, với cơ chế ưu đãi chính sách phát triển điện gió điện mặt trời. Nhưng có một vấn đề là những dự án liên quan đến bổ sung quy hoạch điện lực tỉnh và quy hoạch điện lực quốc gia, trong Luật quy hoạch mới được thông qua, Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành nhưng chỉ áp dụng với quy hoạch mới, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, còn quy hoạch tích hợp, phát triển điện lực là chưa có quy định.
“Bộ Công thương đang trình Chính phủ và chờ ý kiến để điều chỉnh, bổ sung cho các dự án này” – ông Hùng nói và cho biết thêm: dự án nối lưới ở Ninh Thuận, Bình Thuận đến ngày 30-6 bị quá tải dây truyền tải nên một số trường hợp không giải tỏa được hết công suất, bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng để có giải pháp.
Đầu tư lưới truyền tải mất từ 2-3 năm, trong khi đầu tư nhà máy điện mặt trời chỉ mất từ 6 tháng – 1 năm nên phát triển lưới không theo kịp đầu tư các dự án điện mặt trời. Việc bổ sung quy hoạch điện lực tỉnh cũng chưa liên kết quy hoạch đường dây điện lực quốc gia.
Vì vậy, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng cũng có văn bản đồng ý bổ sung điều chỉnh quy hoạch điện, cụ thể bổ sung dự án lưới điện 500kV tại Ninh Thuận, Bình Thuận; các đường dây 220kV…
Dừng sản xuất của Nghi Sơn, thay đổi sản phẩm của Samsung ảnh hưởng ngành công nghiệp
Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại 6 tháng đầu năm, ông Hải cho biết ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng cao với 10,8% nhưng đạt thấp so với kế hoạch, là do một số dự án lớn có đóng góp cho tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp như lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp sự cố về điện đã phải tạm dừng hoạt động 33 ngày; nhà máy đạm Phú Mỹ dừng hoạt động 69 ngày; Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên sản lượng và xuất khẩu thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Bộ cũng dự báo ngành sản xuất ô tô tăng mạnh trong thời gian tới khi nhà máy ô tô VinFast khánh thành và đưa vào hoạt động; ngành thép dự kiến cũng sẽ đạt mức tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung, mà động lực là dự án thép Formosa Hà Tĩnh sẽ đi vào vận hành 2 lò cao hết công suất, đạt công suất 7,5 triệu tấn/năm; dự án thép Hoà Phát Dung Quất cũng có kế hoạch đi vào vận hành năm 2019 với công suất huy động hết là khoảng 2 triệu tấn.
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch trong 6 tháng đầu năm vượt mức 200 tỉ USD, trong đó nhập khẩu ước đạt 120,78 tỉ USD và xuất khẩu ước đạt 122,42 tỉ USD, có 22 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD.
(Theo Tuổi Trẻ)