+
Aa
-
like
comment

Vụ án Xuyên Việt Oil và những “cú tiếp tay” đúng thời điểm!

Thành An - 05/04/2024 15:11

Sự tiếp tay của một số cán bộ chính là chìa khóa giúp cho những hành vi sai phạm diễn ra trong thời gian dài. Những biểu hiện đó không chỉ diễn ra một cách “thầm kín” mà thậm chí một số cán bộ còn ngang nhiên ra mặt để bao che, chỉ trích những nghi vấn.

Hàng loạt cán bộ cấp cao bị khởi tố, tạm giam

Trong buổi họp báo của Chính phủ vào ngày 3/4, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, thông báo rằng Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam ông Trần Duy Đông, phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, do ông này đang bị điều tra về tội nhận hối lộ.

Việc bắt tạm giam ông Trần Duy Đông là một diễn biến mới trong quá trình cơ quan an ninh mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, cũng như một số cơ quan và tổ chức khác, với cáo buộc “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Ông Trần Duy Đông khi còn làm vụ trưởng Vụ Thị trưởng trong nước, Bộ Công Thương.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định tố tụng, cơ quan an ninh đã tiến hành khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Trần Duy Đông, cũng như tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông tại Bộ Công Thương.

Bên cạnh ông Đông, cơ quan điều tra cũng đã bắt ông Đinh Tiến Dũng – kế toán trưởng của Công ty Xuyên Việt Oil và ông Nguyễn Tấn Long – trưởng phòng kinh doanh của công ty, với cáo buộc “đưa hối lộ”.

Trước ông Đông, một quan chức của Bộ Công Thương khác cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam trong vụ án này là ông Đỗ Thắng Hải – thứ trưởng, với cáo buộc nhận hối lộ.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, ông Lê Duy Minh, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM (nguyên cục trưởng Cục Thuế TP.HCM), cũng bị bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ.

Vào giữa tháng 12/2023, cơ quan an ninh điều tra cũng đã khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ – cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, với cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Hai bị can Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Tấn Long tại cơ quan điều tra.

Những người đầu tiên bị bắt trong vụ án này vào đầu tháng 9 là bà Mai Thị Hồng Hạnh – giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, cùng bà Nguyễn Thị Như Phương – phó giám đốc của công ty, với cáo buộc “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Những “cú tiếp tay” đúng thời điểm!

Trước khi vụ án liên quan đến Xuyên Việt Oil được tiết lộ, nhiều lãnh đạo và cán bộ của Bộ Công Thương, trong đó có ông Trần Duy Đông, đã khẳng định việc cấp phép cho công ty này là tuân thủ đúng quy định và chỉ trích các nghi vấn của báo chí là “thiếu chính xác”.

Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu lần đầu vào ngày 22/8/2016 và sau đó được cấp lại giấy phép vào ngày 19/11/2021.

Trong khi đó, ông Trần Duy Đông đã được giao trách nhiệm quản lý Vụ Thị trường trong nước từ tháng 8/2017. Vụ Thị trường trong nước là một cơ quan hỗ trợ, tư vấn cho Bộ trưởng về việc quản lý thị trường trong nước và trong đó có lĩnh vực xăng dầu. Vào năm 2021, khi Xuyên Việt Oil được cấp lại giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, ông Đông đang giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước.

Tháng 9/2023, khi hai lãnh đạo của Xuyên Việt Oil, bà Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979), Giám đốc và cấp dưới của bà, Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992), bị bắt giữ, các phương tiện truyền thông đã đặt nhiều câu hỏi về việc cấp phép cho công ty này có vi phạm quy định hay không.

Khi đó, ông Đỗ Thắng Hải vẫn đang giữ chức vụ Thứ trưởng Công Thương phụ trách lĩnh vực xăng dầu, trong khi ông Trần Duy Đông mới chuyển từ vị trí Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước sang làm Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu.

Trong văn bản phản hồi báo chí, các lãnh đạo này đã khẳng định rằng: Khi được Bộ Công Thương cấp phép, công ty đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 83/2014/ND-CP. Cụ thể, đối với mạng lưới đại lý xăng dầu (theo quy định, doanh nghiệp cần có ít nhất 40 đại lý), Công ty Xuyên Việt Oil có 49 đại lý, trong đó có 17 đại lý do chính công ty mẹ Xuyên Việt Oil ký hợp đồng trực tiếp và 32 đại lý thuộc Công ty con của Xuyên Việt Oil (là Công ty Đại Đồng Xuân).

Để giải thích việc không duy trì được số lượng đại lý theo quy định sau này, văn bản phản hồi cho biết: Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp thường phải thay đổi mạng lưới phân phối. Đối với Xuyên Việt Oil và nhiều doanh nghiệp xăng dầu khác, trong năm 2022, sau khi bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu tạm thời trong 1,5 tháng (theo kết luận của Đoàn Thanh tra của Bộ Công Thương), các đại lý của công ty đã phải chuyển sang ký hợp đồng và lấy hàng từ các công ty khác để tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Văn bản này cũng nhấn mạnh rằng “việc không duy trì đủ hệ thống đại lý là do các yếu tố khách quan hoặc chủ quan sau này trong quá trình hoạt động của công ty”, và bày tỏ rằng “báo chí đã thông tin sai sự thật”.

Xuyên Việt Oil đã “hạ gục” nhiều cán bộ.

Tuy nhiên, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã chỉ ra rằng Xuyên Việt Oil đã lách luật. Cụ thể, để đảm bảo đủ điều kiện về mạng lưới phân phối, công ty đã liên kết với 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân thông qua cơ chế công ty mẹ – con. Xuyên Việt Oil sở hữu hơn 50% cổ phần của Công ty Đại Đồng Xuân.

Đáng chú ý, vào cùng ngày mà Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã ký một văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, trong đó “hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết”.

Kết luận của đoàn thanh tra Bộ Công Thương cho rằng Xuyên Việt Oil đã vi phạm và kiến nghị Vụ Thị trường trong nước cần điều chỉnh kịp thời các sai sót trong công tác thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và kiểm tra, giám sát việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Trong quá trình thanh tra, ông Đông vẫn đang giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước.

Sau khi hoàn thành quá trình thanh tra, Bộ Công Thương ghi nhận rằng, tại thời điểm kiểm tra, Xuyên Việt Oil chỉ có 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 18 đại lý bán lẻ xăng dầu. Công ty này đã bị xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trong 1,5 tháng do không duy trì, không đáp ứng đủ số lượng đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định.

Năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của Xuyên Việt Oil. Tại thời điểm này, Bộ ghi nhận rằng Xuyên Việt Oil chỉ có 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, có 3 cửa hàng trong số này đã hết hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu và có 20 hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu đang còn hiệu lực.

Dựa trên việc Xuyên Việt Oil tiếp tục không đáp ứng được các điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, ngày 11/8/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-BCT thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của công ty này.

Có thể thấy, việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hỡ của quy định pháp luật hòng trục lợi đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Cũng không thể có bất cứ quy định nào có thể đảm bảo đủ khả năng bao quát, phòng ngừa hết các hành vi trục lợi của doanh nghiệp. Mà trên hết là cần sự nghiêm minh của cán bộ Nhà nước, đặc biệt là các cán bộ trực tiếp kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh theo quy định.

Từ câu chuyện đang diễn ra trong phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, nếu như Đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước không bị sức mạnh của đồng tiền che mắt, thì chắc chắn các hành vi sai phạm không thể diễn ra và kéo dài đến như vậy, và hậu quả cũng không thể khủng khiếp đến thế. Và tới đây, khi các sai phạm xảy ra trong vụ án Xuyên Việt Oil được làm rõ, chúng ta chắc chắn sẽ lại thấy sự tiếp tay của một số cán bộ suy thoái, biến chất là “công cụ” để các hành vi sai phạm có thể diễn ra trong thời gian dài.

Qua đó, câu chuyện đạo đức của cán bộ lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, liệu chăng ngoài việc phát hiện, xử lý các cán bộ biến chất, thì liệu có giải pháp nào khả dĩ hơn để ngăn chặn, phòng ngừa tận gốc những hành vi “tiếp tay” đã diễn ra?

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều