+
Aa
-
like
comment

Vụ án Việt Á không phải là chống tham nhũng thì là gì?

An Diễm - 30/12/2021 09:18

Vụ án Việt Á đang làm nóng dư luận xã hội cả nước, các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra và công khai minh bạch trên thông tin đại chúng. Và nó cũng đang là “miếng mồi béo bở” để các tổ chức, đối tượng tung ra hàng loạt các luận điệu xuyên tạc.

 

Trong bài viết mới, Tiếng Dân News lu loa rằng, việc đăng tin sai của Bộ KHCN đã “tiếp tay cho doanh nghiệp để lừa dối trục lợi”; “Từ vụ án Việt Á chứng tỏ công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước lâu nay không có hiệu quả“. Và từ đó họ kêu gào đòi thay đổi thể chế chính trị. Đây là một luận điệu khá quen thuộc của Tiếng Dân News, bởi vì bài viết nào cũng có phần kết luận đổ lỗi cho thể chế.

Không chỉ Tiếng Dân, thời gian qua một loạt trang tin hải ngoại khác cũng đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc xung quanh vụ việc. Trước sự quan tâm của dư luận, một số cơ quan báo chí được phép phỏng vấn thêm các tội phạm. Tuy nhiên, sự việc này lại bị lu loa rằng, “công an cố tình lôi báo chí vào cuộc để đẩy mạnh điều tra nhằm tấn công phe phái”. Óc tưởng tượng của họ phong phú đến mức vẽ ra một cuộc chiến phe cánh, trong đó Bộ công an ở một phe và đang cố gắng điều tra Việt Á để “xử lý phe kia”. Đủ mọi cơ quan ban ngành bị họ lôi vào cuộc, từ Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế đến cả các đồng chí lãnh đạo như Thủ tướng, Chủ tịch nước và thậm chí cả Tổng bí thư.

Thực chất các luận điệu này muốn nhắm đến tính tò mò của nhiều người, khi mà vụ việc vẫn đang được điều tra và một số tình tiết chưa được làm rõ để công khai với dư luận. Kết hợp cùng các tình tiết drama rẻ tiền đầy rẫy trên phim ảnh, cộng với óc tưởng tượng đậm mùi xuyên tạc, và kết quả là nhiều bài báo với những luận điệu lộn xộn, vô căn cứ được đưa ra. Vụ án Việt Á quả thật nghiêm trọng, là một hành vi đáng lên án vì trục lợi của người dân giữa mùa dịch, nhưng đó không phải là câu chuyện chỉ Việt Nam mới có. Khi dịch bệnh phức tạp, các chính phủ buộc phải áp dụng các giải pháp linh hoạt. Ví dụ năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) từng ban hành chỉ thị mua sắm của EU kêu gọi các nước linh hoạt áp dụng các giải pháp nhanh chóng. Cơ chế này không yêu cầu công bố thông tin đấu thầu, không giới hạn thời gian, không có số lượng ứng viên tối thiểu, tư vấn hoặc các thủ tục khác…Và điều này cũng khiến cho các vụ án tham nhũng có điều kiện nảy sinh.

Theo Trung tâm Nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP), tham nhũng trong lĩnh vực này có thể khiến người dân EU phải đóng thuế thêm 5 tỷ USD. Trong giai đoạn hỗn loạn vì dịch bệnh, các cơ quan lớn nhỏ, từ thành phố đến thị trấn đều mua thiết bị y tế từ các nhà cung cấp trực tiếp, không trả giá và ít công bố thông tin. Tại Ý – quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, một số hợp đồng nhà nước đã được trao cho công ty có người đứng đầu từng bị cáo buộc gian lận và chiếm dụng công quỹ. Và nhiều vụ án khác được khám phá tại Rumani, Mỹ, Mỹ La tinh.

Như vậy, ngay cả ở Châu Âu – nơi được đánh giá cao về tính minh bạch trong sử dụng công quỹ với các tiêu chí được quy định chặt chẽ, hay tại Mỹ, quốc gia có vẻ luôn được ca ngợi về thể chế chính trị thì tham nhũng vẫn nảy sinh. Tại Việt Nam thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Kết quả là nhiều vụ việc đã bị lôi ra ánh sáng, nhiều quan chức lớn nhỏ tưởng chừng bất khả xâm phạm đã phải đứng trước vành móng ngựa, có người từng là Ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng ngay cả trong cao trào của cuộc đấu tranh chống tham nhũng này, thì nhiều vụ việc vẫn phát sinh. Tiếng Dân News nêu ra vấn đề này, nhưng vì lờ đi sự thật xảy ra tại châu Âu và Mỹ nên đương nhiên luận điệu quy kết cho thể chế chính trị Việt Nam của họ là vô căn cứ.

Không có thể chế chính trị nào triệt tiêu được quyền lực cá nhân, là những con người nắm trong tay trọng trách và khi kết hợp cùng lòng tham sẽ tạo ra tham nhũng. Vụ việc Việt Á là bài học sâu sắc về sự nham hiểm trong thủ đoạn cũng như hành vi của các đối tượng tham nhũng, và thực chất chỉ làm sinh động hơn lời cảnh tỉnh của Tổng bí thư trong công tác xây dựng con người, cụ thể là những cá nhân giữ trọng trách. Với quan điểm quy kết, xuyên tạc và chống phá Nhà nước, không có gì khó hiểu khi Tiếng Dân News cùng các trang tin hải ngoại đã không nhìn nhận thực tế này.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều