+
Aa
-
like
comment

Vụ án chuyến bay giải cứu: Nạn nhân thứ hai

Công Luân - 21/07/2023 11:30

Trong suốt phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”, câu chuyện về “cơ chế xin cho”, “văn hóa phong bì” được cả đại diện VKS, luật sư và bị cáo nhắc đến. Đặc biệt là những doanh nghiệp bị truy tố tội đưa hối lộ. Đây cũng có thể xem là nạn nhân thứ hai sau những hành khách bị ép buộc mua vé máy bay với giá cắt cổ.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blue Sky), luật sư Giang Hồng Thanh cũng nhắc đến “cơ chế xin cho” và “văn hóa phong bì” trong vụ án này. Theo luật sư, một số cán bộ nhà nước gây khó khăn, ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới tạo điều kiện cấp phép. Nếu doanh nghiệp không đưa tiền, chắc chắn họ sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Rõ ràng là bị cáo Sơn phạm tội Đưa hối lộ. Nhưng hành vi phạm tội của bị cáo xuất phát từ những khó khăn mà không phải do họ tự gây ra. Xét cho cùng, ở một góc độ nào đó, họ cũng là nạn nhân của “cơ chế xin cho” trong vụ án này. Trong phần tự bào chữa, bị cáo Lê Hồng Sơn cũng phải thốt lên rằng: “Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin cho, nạn nhân của văn hóa phong bì”.

Mới đây nhất, bị cáo Trần Thị Mai Xa, 35 tuổi, Giám đốc Công ty Masterlife, là một trong 23 lãnh đạo doanh nghiệp bị VKSND Tối cao truy tố về tội Đưa hối lộ, trong vụ án “chuyến bay giải cứu” nói dù các cán bộ nhận hối lộ giờ khai “nhận ra lỗi lầm” thì vẫn rất đáng trách, do ép bà và nhiều doanh nghiệp đưa tiền “theo thông lệ” thì mới cấp phép chuyến bay.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao khai báo trước tòa.

“Văn hóa quà cáp” bản chất nó là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Trước kia, ít khi người ta sử dụng phong bì mà là biếu quà nhau để chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn giữa những người thân quen, xóm làng với nhau, thể hiện tinh thần gắn bó, đoàn kết của người dân. Ngày nay, thay vì quà cáp, người ta thường sử dụng phong bì như trào lưu phổ biến trong xã hội, vừa gọn nhẹ, vừa đáp ứng được nhu cầu của người nhận.

Tuy nhiên sự chuyển dịch từ “văn hóa quà cáp” sang “văn hóa phong bì” (hối lộ) lại khiến bản chất nội tại của nó thay đổi hoàn toàn. “Phong bì” ngày nay không chỉ còn là tình cảm mà là thủ tục để “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy” hành chính, “chạy” hải quan, “chạy” việc làm hoặc kể cả tình trạng đưa phong bì trong ngành y tế, vốn là ngành được coi trọng nhất trong xã hội. Biến tướng của phong bì ngày nay trong mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân đã trở thành “bệnh” nan y chưa có thuốc chữa. Tình trạng sử dụng phong bì tràn lan của người dân khi quan hệ, làm việc với cơ quan nhà nước đã làm hư cán bộ, công chức, tạo nên tiền lệ xấu trong quan hệ với người dân.

Thực tế cho thấy không ít quan chức ban đầu chỉ nhận những thứ đại loại như tiền tip, sau đó tiến lên đòi hỏi, đặt giá, yêu cầu lại quả những con số lớn, rồi lấy cả những cái người ta không cho như tip mà lấy của công, ăn trộm của công…

Quay trở lại với vụ án chuyến bay giải cứu. Đối với các bị cáo phạm tội Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, quan điểm luận tội của đại diện VKS cho rằng, trước sự gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo “cơ chế xin cho” của một số đối tượng trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép các chuyến bay. Đại diện VKS đề nghị HĐXX cân nhắc, đánh giá đúng nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh để có hình phạt phù hợp đối với người đưa hối lộ.

Chính cơ quan tư pháp đã nhận định một cách rất khách quan và kịp thời đối với nỗi khổ của những doanh nghiệp trong chuyến bay giải cứu. Thực tế ai đã từng làm doanh nghiệp đều cảm thấy rất đồng cảm với thứ “luật rừng” mang tên phong bì này.

Điều ấy biểu hiện rõ ràng nhất qua việc cựu Cục phó Cục quản lý xuất nhập cảnh, bị cáo Trần Văn Dự, người đã nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng khai trước Toà, khi bị bắt tạm giam, việc đầu tiên Dự làm là gọi điện cho vợ: “Em chuẩn bị 3 tỉ để trả lại cho Nhà nước và coi như anh đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi sẽ về“. Tự bào chữa trước Toà, Dự nói: “Số tôi đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được”. Có nghĩa là trong tư tưởng của bị cáo Dự, việc nhận hối lộ là bình thường, bị bắt là do xui.

Tất nhiên không ai đồng ý với hành vi hối lộ của các doanh nghiệp. Thế nhưng nếu xét toàn cảnh vụ việc trên thì có thể thấy họ cũng là nạn nhân.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều