Vụ âm mưu hạ độc chị họ bằng trà sữa: Mức án tử treo lơ lửng !
Theo luật sư, trong vụ việc này, có thể thấy, hành vi phạm tội của nghi phạm đã cấu thành tội giết người vì động cơ đê hèn và bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người.
Chiều nay, 31/12, Công an tỉnh Thái Bình chính thức thông tin về vụ em gái họ đầu độc chị bằng trà sữa. Theo đó, Công an xác định Lại Thị Kiều Trang (25 tuổi, hộ khẩu thường trú tại thôn 4, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) chính là người mua thuốc độc xyanua và trà sữa gửi cho chị họ là chị Đ.T.H.Y nhằm đầu độc chị Y do Trang có quan hệ tình cảm với chồng chị Y. Tuy nhiên, khi Trang gửi trà sữa có chất độc thì chị Y không trực tiếp nhận, đồng nghiệp của chị Y là chị N.T.H (đồng nghiệp của chị Y, công tác tại Bệnh viện Phổi tính Thái Bình) uống phải nên đã tử vong sau đó.
Trao đổi với PV về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ: “Quyền sống (hay quyền được sống) là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của nhân quyền. Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Pháp luật cũng quy định: Tội giết người là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện”.
Theo luật sư Bình, nếu đúng nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị H là do nghi phạm Trang đầu độc bằng trà sữa thì có thể thấy như sau: “Do quan hệ tình cảm trái pháp luật và đạo đức xã hội với anh rể nên nghi phạm đã lên kế hoạch sát hại chị họ để có cơ hội chung sống cùng. Mục đích ban đầu của nghi phạm chỉ có thể là sát hại chị họ, nhưng cách thức thực hiện vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến chết nhiều người.
Trong vụ việc này, có thể thấy, hành vi phạm tội của nghi phạm đã cấu thành tội giết người vì động cơ đê hèn và bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo quy định, giết người vì động cơ đê hèn là trường hợp giết người có tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc…với những người quen hoặc những người thân trong gia đình, họ hàng như giết để cướp vợ, để cướp chồng của nạn nhân;… Tội này có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Không những thế, nghi phạm còn có dấu hiệu sử dụng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người. Việc nghi phạm bỏ thuốc độc vào 6 hộp trà sữa sẽ gây chết nhiều người, bởi lẽ không ai có khả năng uống một lần như thế mà sẽ mời bạn bè cùng uống và hậu quả là chị H đã tử vong như đã thấy. Hành vi này cũng có thể áp dụng khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng khuyến cáo, sự việc này cũng là lời cảnh tỉnh với mọi người, hãy cẩn thận trong việc ăn uống, giao nhận hàng hóa. Không nên ăn uống hoặc nhận bất cứ vật gì gửi đến khi không biết rõ người gửi để hạn chế các sự việc đầu độc hay bom thư, một hình thức phạm tội đang có chiều hướng gia tăng.
Điều 123 Bộ luật Hình sự quy định về tội Giết người:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Sông Mã/IFN