Vụ 39 người chết ở Anh: Cái giá phải trả quá đau nhưng…
Các em đã đến được nước Anh, nhưng xứ sở ấy chẳng phải là thiên đường, phải không?
Không chỉ là 39 chàng trai, cô gái đánh mất sinh mạng trong cuộc nhập cư trái phép bằng container đông lạnh, đó còn là nỗi đau của 39 gia đình mất người thân, cha mẹ mất con, vợ mất chồng.
Các em đã đến được nước Anh, nhưng xứ sở ấy chẳng phải là thiên đường, phải không?
Các em xinh đẹp và trẻ trung quá trong từng tấm hình và trông rất lanh lợi nữa. Tôi không tin thời buổi này khi thế giới thu hẹp lại bằng một chiếc điện thoại smartphone mà người ta thiếu thông tin đến mức để “bị lừa” hoặc tự giác đi đến chỗ chết một cách đau đớn như thế.
40 nghìn bảng Anh (số tiền lớn ngay cả với người bản xứ) mà mỗi nạn nhân phải trả cho chuyến đi, chắc chắn phải rất vất vả xoay xở mới có. Những đồng tiền xương máu ấy trao đi hẳn phải trên cơ sở tin tưởng, tính toán đến mức nào.
Những thông tin chia sẻ khắp nơi tuy chưa thể kiểm chứng hết nhưng có những bình luận “lạnh gáy” hẳn sẽ thuyết phục dễ dàng những người tiếp tục có ý định ra đi: “Đen thôi, đỏ quên đi. Hai “công” (container) trước đều đi lọt”.
Báo chí trong nước cũng đã viết về những làng, thị trấn nghèo vài năm nay đột nhiên bung ra thay đổi, thành xã 1.000 tỷ phú, bậc nhất xứ Nghệ, hàng ngàn biệt thự, ô tô nhiều vô kể nhờ “đi Tây lập nghiệp”.
Người đi trước bảo người đi sau, cứ thế lan ra cả làng cả xã. Có nhà có tới 3-4 người con đi lập nghiệp xứ người. Có lẽ chính bởi sự giàu lên nhanh chóng của hàng xóm láng giềng, của làng trên xã dưới có người nhà đi làm ăn ở nước ngoài, đã thúc đẩy di cư bất hợp pháp thành một phong trào trong nhiều năm gần đây.
Những người đi trót lọt hẳn đã có nhiều, chính vì vậy đã nuôi giấc mơ đổi đời cho bao người khác. Chỉ có điều chẳng ai muốn biết, muốn tìm hiểu về những nỗi buồn mà chỉ những ai có “qua cầu mới hay”. Đấy là những vụ tự tử vì trầm cảm, những cái chết không rõ nguyên nhân của những em bỏ học đi làm thêm bất hợp pháp để trả nợ, là những phận “người rơm”, “người chuột” bị chính đồng hương bóc lột tàn tệ nơi xứ người, là cuộc sống bấp bênh, chui lủi, không giấy tờ, lao động cật lực trong điều kiện tồi tệ. Có tiền cũng chỉ loanh quanh trong một nhóm nhỏ cùng cảnh ngộ, rất khó hoà nhập với cuộc sống nước sở tại.
Chắc chắn rằng, bước chân vào chiếc container di động lạnh lẽo đó, 39 chàng trai cô gái kia đều đã xác định đánh canh bạc lớn cuộc đời. Nhưng liệu cái chết thảm khốc, đau xót của họ có đủ làm chùn bước những khao khát mãnh liệt muốn được đổi đời của những người trẻ tuổi sinh ra ở những vùng quê nghèo trên khắp đất nước Việt Nam?
Thiếu việc làm phù hợp, cuộc sống bí bách khó khăn của những lao động phổ thông ở các vùng nông thôn, cộng thêm sự mồi chài, dụ dỗ của những tổ chức buôn người khiến cho nhiều người quyết định dấn thân vào may rủi nơi xứ người, thay vì nỗ lực tìm kiếm cơ hội ngay tại quê hương.
Cái giá phải trả đau quá, nhưng nó có đủ thành một bài học?
(Theo Báo Giao Thông)