Vốn Trung Quốc đi đường vòng vào Việt Nam
Dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào Việt Nam tăng qua từng năm song gây ra nhiều hậu quả về môi trường, xã hội, thị trường lao động…
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức vào ngày 22/7.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, vốn FDI vào Việt Nam ngày càng lớn. Tác động của chiến tranh thương mại cũng khiến nguồn vốn FDI từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam tăng nhanh chóng.
“Vốn FDI vào Việt Nam theo cách đặc biệt là qua các hợp đồng EPC (Thiết kế- cung ứng vật tư, thiết bị – Xây dựng) hoặc thay đổi xuất xứ. Một số doanh nghiệp Trung Quốc từng cho biết, do Việt Nam có cái nhìn chưa thiện cảm với vốn đầu tư Trung Quốc nên nhà đầu tư thường thành lập công ty ở nơi khác như Nhật Bản hay Hồng Kông (Trung Quốc), sau đó đầu tư vào Việt Nam”, báo Tiền phong dẫn lời ông Thành nói.
Nghiên cứu của VEPR cũng chỉ rõ sự thất bại của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu dù mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm hàng hóa Việt Nam ngày càng tăng lên.
Vào năm 1995, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam khoảng 34% giá trị sản phẩm, trong đó có 12% sản phẩm của doanh nghiệp nội địa. Đến nay, tỷ lệ đóng góp của Việt Nam đạt khoảng 50% nhưng sản phẩm nội địa giảm xuống 11%.
“Việt Nam xâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng giá trị tạo ra của doanh nghiệp trong nước sau hơn 20 năm giảm xuống”, ông Nguyễn Đức Thành chỉ rõ.
Theo VEPR, vốn FDI chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam không từ những dự án tốt nhất. Các dòng vốn có công nghệ cao từ Trung Quốc thường đến các nước có nguồn lao động chất lượng cao. Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu vào khai khoáng, dệt may, hóa chất.
Nghiên cứu cảnh báo các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức EPC gây ra nhiều hệ lụy về dài hạn cho Việt Nam như vấn đề tham nhũng, tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế.
Trong trường hợp của ngành điện than, VEPR chỉ ra những bất cập của dòng vốn đầu tư Trung Quốc dưới hình thức EPC như chậm tiến độ, gặp trục trặc kỹ thuật và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là ví dụ.
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, đã có hàng loạt các sai phạm về môi trường như không thực hiện biện pháp che phủ bụi than đúng tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Quá trình vận chuyển chất thải không đúng quy trình (không có bạt che, xả thải trái phép, vệ sinh phương tiện vận tải sai quy định…).
Vận hành hệ thống xử lý nước thải sai quy định, thiếu các ghi chép về quy trình bảo vệ môi trường và xử lý chất thải nguy hại. Nhà máy xây dựng gần khu dân cư, khí thải từ ống khói nhà máy trực tiếp tác động tới người dân.
Trong năm 2014, Tổng cục Môi trường đã xử lý vi phạm về môi trường với tổng mức xử phạt là 62.000 USD.
Tương tự, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cũng xảy ra hàng loạt sai phạm về môi trường như xả thải trước khi được cấp phép (khai thác và sử dụng nước biển, xả nước làm mát ra biển khi chưa có sự cho phép của Bộ TN-MT); không thường xuyên giám sát hoạt động tái sử dụng nước thải để làm tro xỉ.
Một số chỉ số khí thải vượt ngưỡng mà nhà máy cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhà máy vận hành và phát sinh tro xỉ từ tháng 4/2018 nhưng đến tháng 12/2018 chủ đầu tư mới hoàn thành và phê duyệt đề án xử lý tro xỉ.
Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 còn xây dựng “chui” 11 hạng mục công trình tại khu dịch vụ cho chuyên gia và người lao động của nhà máy.
VEPR chỉ ra gánh nặng về môi trường đối với Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Khi tất cả nhà máy tại trung tâm đi vào hoạt động, tro xỉ phát sinh theo thiết kế là khoảng 3,8 triệu tấn/năm. Ba nhà máy là Vĩnh Tân 2, 3, 4 và 4 mở rộng dùng chung bãi chứa tro, chứa khoảng 9,3 triệu m3. Hiện nay bãi đã chứa khoảng 4,5 triệu m3 và dự kiến đầy trong hơn 2 năm nữa. Vị trí bãi xỉ nằm gần đường quốc lộ, tác động từ gió biển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ phát tán bụi ra môi trường xung quanh.
Theo đơn vị nghiên cứu, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân với UBND tỉnh Bình Thuận dẫn đến tình trạng không tuân thủ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống bảo tồn biển Việt Nam và quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đã xâm lấn 525ha diện tích biển và khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau.
Bên cạnh đó, trong số các dự án thủy điện lớn chậm tiến độ do nhà thầu, đa số là các dự án có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc. Như thủy điện An Khê – Kanak do nhà thầu Trung Quốc cung cấp thiết bị kỹ thuật và xây lắp đã chậm tiến độ 2 năm.
Thủy điện Thượng Kon Tum nhà thầu Trung Quốc thiếu thiện chí, chậm tiến độ thi công buộc chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng và phải tham gia quá trình tố tụng dai dẳng, tốn kém, nguy cơ tiếp tục làm chậm tiến độ tổng thể của dự án.
VEPR khuyến cáo Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý đối với đối với các hoạt động đầu tư của FDI và hoạt động khác liên quan (môi trường, lao động di cư, bảo vệ môi trường, khai thác các nguồn tài nguyên một cách bền vững…).
(Theo Đất Việt)