+
Aa
-
like
comment

Vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 tăng mạnh

06/02/2021 07:29

Ngay từ những ngày đầu năm 2021, hàng loạt dự án FDI lớn được trao giấy chứng nhận đầu tư. Các chuyên gia nhận định, năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh. 

Bộ KH&ĐT tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư thông qua hình thức trực tuyến với các đối tác châu Âu, châu Á (Nhật Bản, Singapore).Thông qua cuộc tiếp xúc đầu tư, nhiều tập đoàn lớn như Apple, Foxconn, Luxshare triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng nhà cung ứng và gia tăng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, trong tháng 1/2021, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 2,02 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 1,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 47 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn cho 46 lượt dự án và cấp phép cho gần 200 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngay trong những ngày đầu năm 2021.

Với thành tích trong kiểm soát, khống chế dịch bệnh, ngay những ngày đầu năm 2021, các địa  phương đã đồng loạt trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án FDI lớn. Ngày 18/1, UBND tỉnh Bắc Giang trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy Fukang Technology ở Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) cho Tập đoàn Foxconn Singapore Pte Ltd. Theo kế hoạch, Fukang sẽ sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, với quy mô hơn 8 triệu sản phẩm/năm. Với tổng vốn đầu tư 270 triệu USD, dự kiến dự án sẽ hoạt động vào quý 3/2022. Đây là một trong những bước mở rộng hoạt động tại Việt Nam của Tập đoàn Foxconn. Đến cuối năm 2020, Foxconn đã đầu tư tại Việt Nam 1,5 tỷ USD.

Cũng ngay trong tháng 1/2021, tỉnh Quảng Bình trao quyết định chủ trương đầu tư 14 dự án với tổng vốn khoảng 1 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ hợp tác 23 dự án cho 18 nhà đầu tư. Tỉnh Nghệ An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Công nghệ EverwinPrecision Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 200 triệu USD, tại Khu Công nghiệp đô thị và Dịchvụ VSIP Nghệ An, dự kiến sẽ thu hút 15.000 lao động. Tỉnh Đồng Nai thu hút được 11 dự án FDI, trong đó có 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ khoảng 5 năm qua.

Với kết quả khởi sắc ngay từ những ngày đầu năm, các chuyên gia cho rằng, tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 28,5 tỷ USD (vốn đăng ký) và 19,9 tỷ USD (vốn thực hiện) như mục tiêu đã đề ra.

Ðộ mở cao để hút vốn

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm. Việt Nam đang có nhiều lợi thế như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực… Hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp để đón dòng vốn đầu tư.

Một trong những thế mạnh để thu hút FDI năm nay là việc Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã tạo ra “độ mở” lớn thu hút nhà đầu tư đến với Việt Nam. Theo đó, Luật Đầu tư 2020 có những thay đổi đáng chú ý về các chính sách ưu đãi đầu tư. So với quy định cũ, Luật Đầu tư 2020 bổ sung những ngành nghề ưu đãi đầu tư mới như: sản xuất  sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển giáo dục đại học, sản xuất trang thiết bị y tế… Chính sách mới của Luật Đầu tư 2020 về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư được điều chỉnh theo hướng tập trung hơn vào lĩnh vực công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo…

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, để đón tập đoàn lớn như Intel, Microsoft, Apple, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần quan tâm đến yêu cầu của nhà đầu tư EU và Mỹ. Theo đó, nhà đầu tư Mỹ, EU thường yêu cầu các yếu tố: Công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp. Thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương quyền, sáng chế, phát minh, chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả…

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm 2021 sẽ tiến hành rà soát doanh nghiệp FDI theo hướng phân loại, đánh giá tuân thủ pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường và chống chuyển giá. Thận trọng khi xem xét các dự án về luyện thép, nhiệt điện, nhôm. Rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các doanh FDI, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các doanh nghiệp không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam.

Ngọc Linh/ TPO

Bài mới
Đọc nhiều